Năm 2023, người phụ nữ họ Trần ở Liêu Ninh (Trung Quốc) đến ngân hàng địa phương để gửi 60.000 NDT (210 triệu đồng) vào một tài khoản cô đã mở nhiều năm trước. Tuy nhiên đến hôm sau, cô Trần phát hiện tài khoản của mình đã bị trừ 9.000 NDT (hơn 30 triệu đồng) mà không có thông báo nào. Kết quả truy vấn cho thấy tài khoản bị trừ đến 35 loại phí dịch vụ. Tuy nhiên cô Trần cho rằng tài khoản này đã nhiều năm cô không sử dụng, trừ nhiều tiền như vậy là vô lý.
Khi cô Trần đến ngân hàng, nhân viên giải thích rằng cô đã mở thẻ 10 năm nhưng chưa từng gửi tiền vào, trong khi hàng tháng ngân hàng vẫn thu phí dịch vụ để duy trì tài khoản. Vậy nên khi tài khoản có tiền, khoản phí dịch vụ sẽ được trừ tự động. Nhân viên ngân hàng nói chỉ cần trong tài khoản có 500.000 NDT thì sẽ không bị khấu trừ phí quản lý, như vậy cô Trần phải gửi thêm 440.000 NDT (1,5 tỷ đồng).

Cô Trần ngỡ ngàng vì khoản phí dịch vụ bị khấu trừ vô lý
Tuy nhiên cô Trần cho biết thời điểm mở thẻ, nhân viên nói tài khoản của cô được miễn phí phí dịch vụ trọn đời. Sau đó người phụ nữ này ra nước ngoài nên không sử dụng đến tài khoản này. Cô Trần cũng cung cấp hợp đồng cho thấy ngân hàng đã cam kết không thu phí quản lý của cô vào 10 năm trước.
Thế nhưng phía ngân hàng cho rằng quy định mới của ngân hàng đã được cập nhật từ lâu, thỏa thuận ban đầu đã ký với cô Trần không còn hiệu lực. Người phụ nữ này khẳng định chưa từng nhận được bất kỳ thông báo nào về việc ngân hàng có quy định mới, dẫn đến việc đơn phương thay đổi điều khoản trong hợp đồng.
Trong khi đó ngân hàng nói việc cô Trần không chú ý đến thông báo công khai là vấn đề cá nhân. Phía ngân hàng đã cho chủ tài khoản thời gian để cân nhắc có tiếp tục sử dụng dịch vụ hay không, nếu không đưa ra quyết định huỷ tài khoản đồng nghĩa với việc chấp nhận quy định mới.
Cô Trần không chấp nhận lời giải thích này nên đã kiện ngân hàng ra tòa. Theo luật pháp và quy định có liên quan tại Trung Quốc, mức phí dịch vụ mà ngân hàng thương mại thu của khách hàng phải được công bố công khai, chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng và khách hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Khi cô Trần mở thẻ, ngân hàng đã cam kết sẽ cung cấp miễn phí phí quản lý và lập hợp đồng ràng buộc pháp lý dưới dạng văn bản. Do đó, hành vi ngân hàng tự ý khấu trừ tiền từ thẻ của cô Trần làm phí quản lý là hành vi vi phạm hợp đồng, phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường kinh tế.

Ảnh minh hoạ
Luật Dân sự Trung Quốc quy định, khi một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng không đúng với thỏa thuận thì phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại.
Các bên có thể sửa đổi hợp đồng bằng thỏa thuận chung. Trong trường hợp thay đổi hợp đồng, thỏa thuận thay đổi phải tuân thủ các yêu cầu về hiệu lực của hành vi pháp lý dân sự, không bên nào được dùng đến thủ đoạn để lừa dối hoặc ép buộc đối phương thay đổi hợp đồng. Trong trường hợp không thể lập được thỏa thuận sửa đổi hợp đồng thì các bên vẫn phải thực hiện theo nội dung của hợp đồng ban đầu, coi như không có thay đổi.
Khi ngân hàng thay đổi hợp đồng, thực tế là ngân hàng không thực hiện việc thoả thuận với khách hàng. Do đó, cô Trần có quyền yêu cầu ngân hàng hoàn trả lại số phí dịch vụ đã khấu trừ và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ảnh minh hoạ
Dù phía ngân hàng đã đưa ra nhiều chứng cứ khẳng định mọi hoạt động, quy trình của họ đều hợp pháp nhưng không thể phủ nhận hành vi vi phạm hợp đồng và phải hoàn trả toàn bộ phí quản lý đã khấu trừ trong vòng 10 ngày cho cô Trần, đồng thời chịu chi phí tố tụng. Cô Trần cho rằng nhiều vị khách khác có thể bị âm thầm khấu trừ khoản phí quản lý này, nên ngân hàng cũng cần thông báo rõ ràng hơn để tránh tranh chấp như trường hợp của cô.
(Theo Toutiao)