Tôm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thường xuyên có mặt trong bữa ăn của hầu hết các gia đình. Với lượng protein cao cùng các vitamin và khoáng chất thiết yếu như canxi, phốt pho, sắt, tôm không chỉ hỗ trợ phát triển thể chất mà còn giúp tăng cường sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, những giá trị này chỉ có khi bạn chọn đúng tôm tươi ngon. Nếu không cẩn thận mua phải tôm kém chất lượng, không chỉ bữa ăn bị ảnh hưởng mà sức khỏe cũng có thể gặp rủi ro.
Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo bạn nên tránh khi mua tôm, vì chúng có thể là nguyên nhân gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể:
1. Tôm thân thẳng, cứng bất thường
Tôm tươi thường có thân uốn cong tự nhiên do sự co bóp cơ, đặc biệt khi chúng còn sống hoặc được bảo quản đúng cách. Nếu thấy tôm có thân thẳng và cứng, rất có thể chúng đã chết từ lâu, hoặc bị đông lạnh trong thời gian quá dài.
Mùi vị của loại tôm này sẽ không thơm ngon, còn bị giảm đi rất nhiều dinh dưỡng. Tôm tươi rất giàu histidine, nhưng khi chết histidine bị vi khuẩn phân hủy thành chất histamine gây hại. Đặc biệt, tôm ươn hay chết, để quá lâu là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Chẳng hạn như vi khuẩn Vibrio, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hay nôn mửa có thể xảy ra sau khi tiêu thụ loại tôm này.
2. Tôm có màu sắc lạ
Tôm tươi thường có màu xanh xám tự nhiên, hoặc hơi trong. Nếu bạn thấy tôm sống có màu trắng nhợt nhạt, nâu, đỏ, đen... thì tốt nhất không nên mua.
Đây là dấu hiệu tôm đã hỏng hoặc bảo quản không đúng cách. Khi tôm bắt đầu phân hủy, không chỉ chất lượng thịt giảm đi mà còn sản sinh các độc tố, gây hại cho hệ tiêu hóa và có thể dẫn đến viêm dạ dày hoặc ngộ độc thực phẩm. Cũng có thể là do loại tôm này bị dùng hóa chất bảo quản, biến đổi gen, nuôi trong môi trường không đảm bảo… hoặc mắc bệnh.
3. Tôm có mùi lạ
Tôm tươi dù còn sống hay đã chết thường chỉ có mùi tanh nhẹ đặc trưng của hải sản. Nếu bạn phát hiện tôm có mùi chua, hôi hay thậm chí mùi hóa chất lạ, thì chắc chắn chúng không còn an toàn để tiêu thụ.
Những loại tôm này có thể đã bị ngâm chất bảo quản hoặc thuốc tẩy trắng nhằm kéo dài thời gian bày bán. Các hóa chất này nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể có thể gây hại cho gan, thận, và thậm chí làm suy yếu hệ miễn dịch. Ở mức độ nhẹ hơn, mùi khó chịu phát ra là do tôm bị ươn, giảm dinh dưỡng và không ngon miệng nên tốt nhất đừng mua.
4. Tôm bị đứt đầu hoặc gãy chân
Khi ra chợ mua tôm, nên quan sát kỹ phần đầu tôm có bị tách ra khỏi thân không. Một con tôm tươi khỏe mạnh thì phần đầu sẽ dính chắc vào thân, ngược lại nếu thấy phần đầu bong ra thì nghĩa là tôm đã chết lâu, thịt đã bở. Hay những con tôm đã bị rơi rụng hết phần chân, chân chuyển sang màu đen cũng là dấu hiệu cho thấy tôm đã chết từ lâu.
Khi ăn phải loại tôm này, bạn dễ đối mặt với nguy cơ hấp thụ vi khuẩn và các chất độc hại từ quá trình phân hủy. Chưa kể, tôm mất đi bộ phận như đầu hay chân thường bị mất nước nhanh, thịt trở nên khô và ăn mất ngon.
5. Tôm có vỏ nhớt hoặc thịt quá mềm
Tôm tươi có vỏ trơn mịn, sáng bóng và thịt chắc. Ngược lại, nếu tôm có lớp vỏ nhớt dính hoặc thịt mềm nhũn, đây là dấu hiệu tôm đã bị ôi thiu. Lớp nhớt trên vỏ tôm không chỉ làm mất đi cảm giác ngon miệng mà còn tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn gây hại phát triển. Bao gồm cả các vi khuẩn gây ngộ độc như Salmonella hoặc Vibrio.
Ăn loại tôm này không chỉ gây khó chịu cho hệ tiêu hóa mà còn có nguy cơ dẫn đến các bệnh liên quan đến dạ dày, đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Trường hợp nguy hiểm có thể ngộ độc, nhiễm trùng đường ruột… Đồng thời vỏ tôm nhớ hay thịt tôm quá mềm (không phải tôm lột) đều khó có hương vị hấp dẫn.
Do đó, khi mua tôm cần chú ý trong quá trình chọn lựa. Bạn nên ưu tiên chọn tôm sống thay vì đông lạnh. Quan sát kỹ màu sắc, hình dáng và cả mùi, độ đàn hồi của tôm. Hãy đọc kỹ thông tin ghi ngoài bao bì hoặc hỏi thêm người bán về nguồn gốc của tôm nhé!
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Sohu