![]() |
Những người độc hại sẵn sàng làm tổn thương người khác để thỏa mãn cái tôi cá nhân. Ảnh minh họa: S.N. |
Những con người độc hại. Họ là ai?
Có phải ai cũng độc hại không? Không đâu, không phải ai cũng là người độc hại. Đó là một tin tốt.
Người độc hại có thể là người thân của ta không? Ồ có chứ, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Và đó là tin xấu.
Người độc hại có thể là mẹ, cha, anh chị em, ông bà, họ hàng xa, thậm chí là chính con cái của chúng ta.
Chẳng ai hoàn hảo cả, ta có thể chắc chắn về điều đó. Ai cũng có những khuyết điểm của riêng mình, nhưng có khuyết điểm và bệnh hoạn (hay độc hại) lại là hai chuyện rất khác nhau. Thật khó phân biệt người độc hại với những người khác, vì “độc tính” của họ không dễ nhận biết qua quan sát thông thường, kể cả người thân trong gia đình như chúng ta cũng khó nhận ra.
Ta cho rằng nếu người thân độc hại thể hiện rằng họ là người tốt, vậy thì họ đúng là người tốt. Nhưng giả định đó thật sai lầm. Biểu hiện bên ngoài có thể che giấu sự thật chôn sâu dưới bề mặt, ngoài tầm mắt của công chúng.
Thực tế, độc hại là một trạng thái "nội tâm", một điều kiện của tính cách, tâm trí và ý chí thực sự của con người. Người ta chỉ có thể nhận ra nó thông qua sự nhất quán và lâu dài của hành vi thao túng.
Bởi vì ta không hoàn hảo, nên chẳng ngại có thêm nhược điểm từ bản thân và người nhà. Ta có thể cười nhạo mình khi mắc lỗi, sẵn sàng thừa nhận sai lầm và xin lỗi bất cứ khi nào cần thiết. Ta tìm kiếm hòa bình, sự kết nối, tính minh bạch và sự phát triển của bản thân hơn là xung đột.
Mặt khác, người có tính cách bệnh hoạn lại phản ứng giống kẻ bắt nạt chẳng bao giờ tiến bước, ngoan cố và thù hằn. Họ không bao giờ sai. Họ quan trọng hơn những lời xin lỗi. Họ không bao giờ đặt câu hỏi liệu mình có thể hoặc có nên làm khác đi hay không. Và mọi điều trong cuộc sống của họ đều là một màn kịch thêu dệt về câu chuyện mình đã trở thành nạn nhân của những người khác như thế nào.
Đứng trước những người có trạng thái tinh thần khỏe mạnh, chúng ta đang đối mặt với những con người có thể cân bằng cuộc sống và luôn bình tĩnh. Nhưng đứng trước một kẻ bệnh hoạn, chúng ta đang đối mặt với sự non nớt về tình cảm của một đứa trẻ mới hai đến năm tuổi trong cơ thể của một người trưởng thành.
Lý do thực sự khiến ta bức bối khi đối phó với người độc hại là mặc dù họ đã trưởng thành, ta lại phải giải quyết mọi chuyện với một đứa trẻ mới biết đi. Đa số chúng ta sẽ không còn yêu bản thân một cách mù quáng sau khi được hai tuổi, đó là sự phát triển bình thường.
Khi một người trưởng thành vẫn hành xử như kẻ coi mình là trung tâm của vũ trụ, ta khó có thể nhìn nhận cảm xúc của đứa trẻ mới biết đi ấy như của một người trưởng thành, còn khó hơn nữa nếu đó là cha mẹ ta.
Giống đứa trẻ mới biết đi, người độc hại đưa ra mọi quyết định dựa trên những gì họ cảm thấy, hơn là dựa trên điều đúng đắn. Trong tâm trí họ, hậu quả mà hành động của mình gây ra không rõ ràng bằng việc đạt được những gì mình muốn ở thời điểm hiện tại.
Điều này trái ngược với người có tâm trí khỏe mạnh: Họ suy nghĩ trước khi hành động và lưu tâm đến việc những gì mình làm có thể tác động tiêu cực tới bản thân hoặc người khác như thế nào.
Người độc hại không thể chịu đựng sự suy xét của người khác. Khi cố gắng trò chuyện với họ, họ đang tự tham chiếu thay vì tự suy ngẫm. Khi bạn chia sẻ điều gì đó về bản thân với những người như vậy, họ ngay lập tức biến nó thành một câu chuyện về họ.
Khía cạnh tự tham chiếu của tính độc hại biến người độc hại trở thành kẻ độc ác, kẻ lừa đảo và kẻ dối trá giỏi nhất mà bạn từng gặp. Bạn không thể có một cuộc trò chuyện hai bên cùng lắng nghe và trao đổi một cách tự nhiên. Sự chia sẻ không tồn tại trong giao tiếp với người độc hại.
Tất nhiên, người có tâm trí lành mạnh đôi khi cũng thực hiện một số việc giống người độc hại. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những lời nói dối thông thường và độc hại là ở sự tinh tế, bền bỉ và nhất quán trong hành vi.