Thi đạt điểm cao nhưng lại không đỗ đại học
Nữ sinh Trần Xuân Tú sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Từ nhỏ, cô đã tâm niệm chỉ có học tập và kiến thức mới giúp bản thân thay đổi vận mệnh. Chính suy nghĩ ấy khiến cô gái này luôn chăm chỉ học hành, đặt mục tiêu đỗ vào một trường đại học tốt để thoát nghèo.
Năm 2004, Trần Xuân Tú tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học và đạt 546 điểm, một mức điểm khá cao ở thời điểm đó và đủ điều kiện vào một trường đại học danh tiếng. Thế nhưng, điều khó hiểu là cô không nhận được bất kỳ giấy báo nhập học nào từ các trường đã đăng ký.
Cho rằng điểm số của mình chưa đủ để trúng tuyển, Trần Xuân Tú đành từ bỏ ước mơ và đi tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Cô xin vào làm công nhân trong một nhà máy điện tử, đồng thời làm thêm bồi bàn tại nhà hàng để kiếm sống. Công việc vất vả, thường xuyên tăng ca đến khuya nhưng cũng chỉ mang về cho cô thu nhập khoảng 1.000 NDT mỗi tháng (khoảng 3,5 triệu đồng).

Trần Xuân Tú dang dở ước mơ vào đại học
Về sau, Trần Xuân Tú học thêm chứng chỉ nghiệp vụ và chuyển sang làm giáo viên trông trẻ. Cuộc sống cuốn cô vào vòng xoáy mưu sinh, kết hôn rồi sinh con. Dẫu vậy, ước mơ được ngồi trên giảng đường đại học của Trần Xuân Tú vẫn chưa bao giờ tắt. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, cô vẫn mở sách ôn tập, tự nhủ một ngày nào đó sẽ thi lại để hoàn thành giấc mơ tuổi trẻ.
Năm 2020, khi đã 34 tuổi và có cuộc sống ổn định hơn, Trần Xuân Tú quyết định thi lại đại học. Nhưng trong lúc làm hồ sơ, cô bất ngờ phát hiện dữ liệu cá nhân ghi rằng mình đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sơn Đông, một ngôi trường danh tiếng trong tỉnh từ hơn 10 năm trước.
Thông tin này khiến cô choáng váng: “Mình chưa từng học đại học, sao lại có bằng tốt nghiệp?”
Để làm rõ sự việc, Trần Xuân Tú lập tức liên hệ với trường trung học nơi cô từng theo học. Tuy nhiên, giáo viên cho biết toàn bộ hồ sơ và học bạ của cô đã được chuyển đến Đại học Công nghệ Sơn Đông từ nhiều năm trước. Không còn cách nào khác, người phụ nữ này đành trực tiếp tìm đến văn phòng tuyển sinh của trường đại học. Chính tại đây, cô mới ngỡ ngàng nhận ra rằng từ 16 năm trước, có người đã mạo danh mình để đi học đại học.
Âm mưu tráo đổi thân phận tinh vi được hé lộ
Sau khi tiếp nhận báo cáo của Trần Xuân Tú, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và nhanh chóng xác định danh tính người mạo danh cô là Trần Diễm Bình. Năm 2004, Trần Diễm Bình cũng tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng chỉ đạt 303 điểm, mức điểm không đủ để trúng tuyển vào bất kỳ trường đại học nào.
Gia đình Trần Diễm Bình đã nhờ cậy các mối quan hệ để làm giả hồ sơ và tráo đổi thông tin của Trần Xuân Tú. Họ liên hệ với giáo viên phụ trách ở trường Trần Xuân Tú theo học, thay tên và ảnh của Trần Diễm Bình vào bảng điểm và học bạ gốc của Trần Xuân Tú. Khi biết Đại học Công nghệ Sơn Đông gửi giấy báo nhập học, họ còn đến bưu điện địa phương để nhận trước khi nó được chuyển về nhà Trần Xuân Tú.

Giấy tờ giả của Trần Diễm Bình (trái) và bằng tốt nghiệp trung học của Trần Xuân Tú (phải)
Bằng những thủ đoạn tinh vi, gia đình Trần Diễm Bình đã giúp con thành công bước chân vào trường đại học danh tiếng. Còn Trần Xuân Tú, người thực sự xứng đáng lại phải gác lại giấc mơ suốt 16 năm, chịu đựng cuộc sống mưu sinh đầy vất vả.
Khi sự thật được phơi bày, Đại học Công nghệ Sơn Đông lập tức mở cuộc điều tra nội bộ, thu hồi học vị của Trần Diễm Bình và xử lý các cá nhân liên quan. Gia đình Trần Diễm Bình, bao gồm cha cô và những người trợ giúp làm giả giấy tờ, đều bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu hình phạt tương xứng.
Đại diện trường Đại học Công nghệ Sơn Đông nhiều lần gửi lời xin lỗi đến Trần Xuân Tú, đồng thời cam kết hỗ trợ để cô có thể tiếp tục con đường học vấn và hiện thực hóa ước mơ đại học còn dang dở.
Về phía Xuân Tú, dù vui mừng vì cuối cùng được minh oan và mở ra cơ hội học tập, cô vẫn không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Lẽ ra, cơ hội này đã đến với cô khi 18 tuổi, quãng thời gian đẹp nhất đời người, nhưng lại bị người khác đánh cắp và trì hoãn suốt 16 năm.
(Theo Sohu)