Ông cụ gửi hơn 720 triệu đồng vào tài khoản, 2 ngày sau số dư chỉ còn 0, ngân hàng khẳng định: “Lỗi là của ông”

Trong vụ việc này, toà án Trung Quốc khẳng định cả người gửi tiền và phía ngân hàng đều có lỗi.

Năm 2001, ông Đường ở quận Tây Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, mở một tài khoản tại một ngân hàng trên địa bàn và gửi vào đó 200.000 NDT (hơn 720 triệu đồng). Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, toàn bộ số tiền này bị rút hết khỏi tài khoản. Mặc dù các giao dịch rút tiền đều đứng tên mình song ông Đường vẫn khẳng định bản thân không thực hiện việc đó.

Suốt 20 năm sau đó, ông Đường nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới ngân hàng, cơ quan chức năng và cả tòa án địa phương. Tuy nhiên do khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, cũng như những khác biệt trong quy định nghiệp vụ ngân hàng cách đây hai thập kỷ, vụ việc vẫn rơi vào bế tắc.

Năm 2024, ông Đường quyết định đệ đơn kiện lên Tòa án Tây Thành. Phiên tòa với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Bắc Kinh cùng các chuyên gia hòa giải trong ngành ngân hàng. Trong quá trình tố tụng, sự thật năm nào cũng dần được làm rõ. Theo đó, ông Vương, một người quen của gia đình ông Đường, đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết để đánh cắp CCCD, thông tin và mật khẩu tài khoản ngân hàng của ông Đường và rút sạch tiền. Dẫu vậy, ông Vương vẫn phủ nhận việc thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo. 

Khi sự việc được làm rõ, phía ngân hàng khẳng định lỗi là của ông Đương vì người đàn  ông này không bảo quản giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân cẩn thận, dẫn đến việc bị đánh cắp. Trong khi đó, ông Đường cho rằng lỗi chính thuộc về ngân hàng vì đã không thực hiện đúng quy trình xác minh danh tính khách hàng khi giao dịch, đặc biệt trong trường hợp rút tiền mặt – một nghiệp vụ đòi hỏi sự thận trọng cao. Ông Đường cho rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này.

Ông cụ gửi hơn 720 triệu đồng vào tài khoản, 2 ngày sau số dư chỉ còn 0, ngân hàng khẳng định: “Lỗi là của ông”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Sohu

Trước tranh chấp này, Tòa án Tây Thành đã chỉ định một cơ quan giám định để tiến hành kiểm tra chữ ký và thông tin cá nhân trên các biên lai rút tiền. Kết quả giám định khẳng định: chữ ký và số chứng minh nhân dân được sử dụng để rút tiền không phải là của ông Đường.

Dựa trên kết quả giám định và các chứng cứ thu thập được, Tòa án Tây Thành xác định trách nhiệm chính thuộc về ngân hàng, do đã không xác minh kỹ lưỡng danh tính người thực hiện giao dịch rút tiền mặt, dẫn đến sai sót nghiêm trọng trong nghiệp vụ. Đồng thời, ông Đường cũng được xác định là có một phần trách nhiệm vì đã không bảo quản cẩn thận các giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân quan trọng.

Vụ việc sau đó đã được chuyển sang hình thức hòa giải. Ngân hàng sau đó cũng thừa nhận rằng các quy định về dịch vụ rút tiền đại lý vào thời điểm cách đây 20 năm còn lỏng lẻo, thiếu kiểm soát. Sau nhiều phiên làm việc với thẩm phán Tô Xương – chủ tọa phiên tòa – ông Đường cũng dần nhận ra những thiếu sót của bản thân trong việc bảo vệ giấy tờ quan trọng và bắt đầu nhìn nhận vấn đề với thái độ bình tĩnh hơn.

Với sự nỗ lực của tòa án địa phương, các cơ quan quản lý và bên hòa giải, hai bên cuối cùng đã đạt được thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận này đã được Tòa án Tây Thành xác nhận và có hiệu lực pháp lý. Ngân hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo cam kết trong thời hạn quy định. Hành trình đòi lại công lý suốt 20 năm của ông Đường đã kết thúc trong sự nhẹ nhõm và công bằng.

 (Theo Sohu)