Năm 2018, bà Lý ở Bắc Kinh, Trung Quốc, quyết định cho ông Cao thuê một trong những bất động sản nhàn rỗi của mình với giá 8.500 NDT/tháng (hơn 30 triệu đồng). Tuy nhiên đến năm 2022, công việc kinh doanh của bà Lý bỗng chốc gặp khó khăn. Vì cần tiền để xoay sở tình hình, người phụ nữ này quyết định bán căn nhà đang cho thuê dù hợp đồng thuê nhà của ông Cao vẫn còn nửa năm nữa mới hết.
Sau khi nghe bà Lý trình bày hoàn cảnh, người đàn ông này đã đồng ý hỗ trợ người phụ nữ này khi có khách đến xem nhà. 4 tháng sau đó, một người đàn ông họ Trương đã đồng ý mua căn nhà của bà Lý. Trải qua nhiều lần thương lượng, cuối cùng bà Lý cũng đồng ý bán nhà với mức giá 8,15 triệu NDT (hơn 28 tỷ đồng).
Cả hai bên nhanh chóng ký hợp đồng và thoả thuận hoàn tất thủ tục chuyển nhượng BĐS trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, đúng vào lúc thủ tục chuyển nhượng sắp hoàn tất, căn nhà của bà Lý lại được nhập vào khu học chánh của một trường trung học cơ sở trọng điểm gần đó. Điều này khiến giá nhà tăng vọt hơn từ 8,15 triệu lên 9,15 triệu NDT (hơn 32 tỷ đồng) chỉ sau một đêm.
Đối mặt với sự thay đổi đột ngột này, bà Lý cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Thế nhưng, vì hợp đồng đã được ký kết nên người phụ nữ này đành phải để bản thân chịu thiệt. Ngay sau đó, bà Lý đã liên lạc với ông Cao và thông báo người này phải dọn khỏi nhà với mức bồi thường là một tháng tiền thuê nhà. Tuy nhiên, ông Cao lại đột nhiên thay đổi ý kiến.

Ảnh minh họa: Internet
Hóa ra, khi ông Cao phát hiện căn nhà của bà Lý được sáp nhập vào khu học chánh, ông ta biết có thể kiếm lời từ căn nhà này nên nhất quyết không chịu chuyển đi mà yêu cầu bà Lý bán nó cho mình với giá 8,15 triệu NDT. Bà Lý phản đối mạnh mẽ việc này nhưng vì thấy cái lợi trước mắt quá hấp dẫn, người đàn ông này vẫn không bỏ cuộc. Trong tháng cuối cùng của hợp đồng thuê, ông Cao liên tục đến gặp bà Lý và cố gắng thuyết phục người phụ nữ này bán nhà cho mình. Dẫu vậy, cái lắc đầu của chủ nhà đã khiến ông Cao thực sự tức giận và quyết định kiện người phụ nữ này ra tòa.
Tại tòa, ông Cao đã yêu cầu bà Lý phải bồi thường cho mình khoản chênh lệch giá nhà tăng, phí môi giới khi mua nhà mới, chi phí chuyển nhà và tổn thất tiền thuê nhà, tổng cộng là 1,84 triệu NDT (hơn 6,5 tỷ đồng). Người đàn ông này cho rằng với tư cách là người thuê nhà, ông được hưởng quyền ưu tiên mua nhà. Tuy nhiên, hành vi của bà Lý đã vi phạm quyền lợi trên của ông người phụ nữ này cần chịu trách nhiệm bồi thường.
“Mặc dù tôi biết bà Lý có ý định bán nhà nhưng tôi lại không được cung cấp các thông tin liên quan đến giá nhà, cách thức thanh toán. Đồng thời, bà Lý cũng chưa từng hỏi tôi có muốn mua nhà hay không”, ông Cao cho biết.
Với vụ việc này, tòa án địa phương cho biết luật pháp Trung Quốc có quyền ưu tiên dành cho người thuê nhà. Điều này có nghĩa là trong mối quan hệ cho thuê, nếu chủ nhà muốn bán bất động sản đang cho thuê, người thuê có quyền ưu tiên mua bất động sản đó theo cùng các điều kiện trước những người khác. Nếu người thuê nhà không bày tỏ rõ ràng ý định mua bất động sản trong vòng 15 ngày sau khi được chủ nhà thông báo thì có nghĩa là người thuê nhà đã từ bỏ quyền này.
Từ đây có thể thấy hành vi của bà Lý quả thực đã xâm phạm quyền ưu tiên mua nhà của ông Cao. Bên cạnh đó, do ông Cao không mua được bất động sản trên nên yêu cầu bồi thường các chi phí phát sinh như chi phí chuyển nhà, phí môi giới và tổn thất tiền thuê của ông là hợp lý.
Cuối cùng, tòa án địa phương ra phán quyết yêu cầu bà Lý phải bồi thường cho ông Cao 180.000 NDT (hơn 639 triệu đồng). Bà Lý không hài lòng với phán quyết này nên đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao. Sau khi xét xử lại, tòa án cấp cao cuối cùng đã ra phán quyết bà Lý phải bồi thường cho ông Cao 150.000 NDT (hơn 533 triệu đồng). Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo 163.com)