Theo 163.com, ông Diêu, một phó giám đốc từng làm việc suốt 25 năm tại một công ty công nghệ ở Thâm Quyến, Trung Quốc, đã khởi kiện công ty của mình và đòi đo dbồi thường tổng cộng 3,48 triệu NDT (hơn 12,4 tỷ đồng) sau khi bị sa thải với lý do “vi phạm nghiêm trọng nhiệm vụ”. Theo bản án công bố trên trang China Judgments Online, ông Diêu bắt đầu làm việc tại công ty này từ ngày 11/10/1993, lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như trưởng bộ phận sản xuất, phó giám đốc nhà máy, phó tổng giám đốc nhà máy. Ông cũng đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty trên.
Ngày 4/1/2019, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Diêu với lý do người này “thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ để trục lợi, tham gia giao dịch liên quan mà không được phép, gây tổn thất lớn cho công ty”. Theo đó, mức lương trung bình của người này trong 12 tháng trước khi bị sa thải là 25.400 NDT – gấp hơn ba lần mức lương bình quân của người lao động tại Thâm Quyến vào thời điểm đó (8.348 NDT).
Ngày 2/8/2019, ông Diêu đã nộp đơn kiện ra toà án địa phương, yêu cầu công ty bồi thường tổng cộng 3,48 triệu NDT, bao gồm: Tiền bồi thường do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật 1,277 triệu NDT; Thù lao năm 2018: 1,032 triệu NDT; Tiền lương bị mất từ 1/2019 đến 7/2019 và khoản bồi thường thêm 955.000 NDT và tiền nghỉ phép chưa sử dụng: 215.000 NDT. Tuy nhiên, toà án địa phương chỉ công nhận một phần yêu cầu của ông và phán quyết công ty phải bồi thường 601.100 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng).
Không hài lòng với kết quả trên, cả ông Diêu và công ty đưa vụ việc ra Tòa án nhân dân quận Bảo An, Thâm Quyến. Tòa án xác định việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng là trái pháp luật và buộc công ty bồi thường 1,277 triệu NDT (hơn 4,5 tỷ đồng), căn cứ vào Điều 47 và Điều 87 của Luật hợp đồng lao động Trung Quốc.

Ảnh minh hoạ: 163.com
Không đồng ý với phán quyết của Tòa án nhân dân quận Bảo An, công ty tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân thành phố Thâm Quyến. Sau khi xem xét vụ án, Tòa án vẫn xác nhận việc chấm dứt hợp đồng là trái luật, nhưng điều chỉnh số tiền bồi thường xuống còn 601.100 NDT.
Tòa án nhân dân thành phố Thâm Quyến cho rằng Tòa án nhân dân quận Bảo An đã không áp dụng đúng quy định về giới hạn 12 năm đối với trường hợp người lao động có thu nhập cao hơn 3 lần mức trung bình, dẫn đến việc xác định sai mức bồi thường.
Chưa hài lòng với phán quyết của toà, ông Diêu tiếp tục gửi đơn lên Tòa án nhân dân cấp cao Quảng Đông. Người đàn ông này cho rằng ông đã làm việc hơn 25 năm, do đó phải được tính toàn bộ thời gian này để bồi thường nhưng tòa án cấp cao đã bác bỏ đơn kiện của ông Diêu.
Toà án lập luận rằng Điều 47 và Điều 87 Luật hợp đồng lao động Trung Quốc quy định rõ ràng mức trần kép đối với người lao động có lương cao: tiền bồi thường chỉ được tính trên cơ sở ba lần mức lương bình quân và thời gian tối đa là 12 năm. Trường hợp của ông Diêu nằm trong phạm vi áp dụng đặc biệt này.
Cuối cùng, Tòa án nhân dân cấp cao Quảng Đông kết luận rằng phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố Thâm Quyến là hợp lý và giữ nguyên bản án cũ. Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo 163.com)