Quốc Cường Gia Lai sắp đổi tên, mục tiêu lãi 300 tỷ

Quốc Cường Gia Lai kỳ vọng đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 300 tỷ nhờ vào dự án Marina Đà Nẵng, thoái vốn thủy điện và bán hàng tồn kho.

Quốc Cường Gia Lai sẽ có tên mới sau 30 năm hoạt động. Ảnh: Lê Quân.

Chiều nay (17/5), CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) tổ chức ĐHĐCCĐ thường niên năm 2025. Đại hội có 63 cổ đông và người đại diện sở hữu tham dự, chiếm 66% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết - đủ điều kiện tổ chức theo quy định.

Mở đầu phiên họp, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường đã nói về hành trình 30 năm hình thành và phát triển của doanh nghiệp, từ một xí nghiệp nhỏ tại Gia Lai trở thành công ty niêm yết trên HoSE, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và tạo ra hàng nghìn việc làm.

Ông cũng dành thời gian để nói về mẹ mình - người sáng lập công ty, bà Nguyễn Thị Như Loan, khẳng định: "Cả cuộc đời bà Loan đã cống hiến cho Quốc Cường Gia Lai, hy sinh thời gian cá nhân và tự do bản thân".

Mục tiêu lợi nhuận cao nhất 8 năm

Năm nay, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng - tăng lần lượt 274% và 306% so với kết quả đạt được năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay, còn lợi nhuận chỉ thấp hơn 2 năm đỉnh cao là 2010 và 2017.

Trả lời cổ đông về cơ sở cho mục tiêu doanh thu năm nay, ông Cường cho biết khoản thu này dự kiến đến từ 3 nguồn, gồm 900 tỷ đồng từ xử lý và thoái vốn các dự án thủy điện, 700 tỷ đồng từ giai đoạn 1 của dự án Marina Đà Nẵng (với 37 căn nhà phố đang xây dựng, đã được cấp phép bán hàng) và 400 tỷ đồng từ việc xử lý hàng tồn kho chung cư.

Ông cũng nêu kế hoạch cụ thể với các dự án đang và sắp triển khai của công ty như Marina Đà Nẵng, dự án 6B ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), chung cư Lavida Plus ở quận 7 (TP.HCM)...

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai đang thực hiện pháp lý đầu tư đối với dự án Phạm Gia 9,4 ha tại QL50 Bình Chánh (TP.HCM) và Chung cư sông Sài Gòn. Hai dự án này đã được đền bù 100%, đang xin thí điểm theo Nghị quyết 171 trong danh sách tháo gỡ sớm của TP.HCM.

qcg doi ten,  qcg nam 2025,  qcg kinh doanh 2025 anh 1

Ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng giám đốc công ty. Ảnh: Khổng Chiêm.

Bên cạnh đó, dự án Phước Kiển (liên quan số tiền 2.882 tỷ đồng phải trả cho bà Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát) cũng được ông Cường nhắc đến. Về phương án thanh toán số tiền này, ông Cường nói có nhiều giải pháp đưa ra, bao gồm chia làm nhiều đợt, diễn ra từ quý III năm nay và kết thúc vào nửa đầu năm 2027. Nếu dòng tiền ổn định, công ty có thể thanh toán sớm hơn.

Không vay nợ vì cẩn trọng

Một trong những câu hỏi được cổ đông quan tâm tại Đại hội năm nay của Quốc Cường Gia Lai là vấn đề tài chính, đặc biệt khi công ty hầu như không sử dụng nợ vay trong nhiều năm qua.

Trả lời câu hỏi “không vay vì không vay được hay vì không muốn vay?”, ông Cường khẳng định công ty hoàn toàn có khả năng vay vốn, có thể phát hành trái phiếu, nhưng lựa chọn phương án không vay.

"Chúng tôi chỉ vay khi có dự án rõ ràng, pháp lý đầy đủ, kế hoạch dòng tiền cụ thể và hiệu quả tài chính rõ ràng”, Tổng giám đốc công ty nói.

Ông Cường lấy dẫn chứng giai đoạn 2016-2017, lúc bán dự án Phước Kiển cho Sunny Land, Quốc Cường Gia Lai đặt kế hoạch lớn, dự định số tiền nhận về sẽ phục vụ cho hoài bão đó. Tuy nhiên, đối tác chỉ thanh toán một phần rồi dừng lại, Quốc Cường Gia Lai đã phải trả giá rất nhiều cho thương vụ này.

Sau biến động, bà Loan không muốn vay quá nhiều trong khi bối cảnh thị trường không tích cực. Quốc Cường Gia Lai hạn chế vay để không phụ thuộc vào tổ chức tài chính, trong khi nguồn tiền không đảm bảo khả năng trả nợ. Vì vậy, việc vay ngân hàng được loại trừ.

Dù vậy, ông Cường nhấn mạnh: “Chúng tôi không bảo thủ. Khi hội đủ điều kiện pháp lý và dòng tiền, không chỉ ngân hàng mà cả nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước đều sẵn sàng đồng hành. Quốc Cường Gia Lai không ngại vay, nhưng chỉ vay trong rủi ro chấp nhận được”.

Một trong những nội dung đáng chú ý khác tại phiên họp năm nay là việc thay đổi tên gọi của Quốc Cường Gia Lai.

Sau hơn 30 năm hoạt động và phát triển, doanh nghiệp muốn thay đổi tên gọi. Cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT được lựa chọn và đăng ký tên gọi mới, thời điểm thực hiện không muộn hơn 12 tháng kể từ khi được cổ đông thông qua.

Theo ban lãnh đạo, việc thay đổi tên công ty sẽ không ảnh hưởng đến các quan hệ, giao dịch, nghĩa vụ dân sự cũng như việc thực hiện hợp đồng mà các bên đã ký kết trước đây.

Ông Cường nói khi thành lập, công ty mang dáng dấp ước mơ khác. Nay bước vào kỷ nguyên mới, công ty cũng có nhiều cơ hội hơn, tiếp xúc với đối tác nước ngoài nhiều hơn. Vì vậy, công ty muốn đổi tên ngắn gọn hơn, súc tích hơn, dễ dàng lan tỏa hơn đến đông đảo đối tác.


Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.