Sáp nhập tỉnh không chỉ làm giá đất tăng, một số nơi còn bị giảm

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, việc sáp nhập không chỉ làm cho giá bất động sản tăng mà có thể giảm ở một số khu vực.

Ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định như vậy khi trao đổi với PV VietNamNet về những thông tin sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh, thành phố đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong giới đầu tư bất động sản.

Ông Bình đánh giá việc sáp nhập tỉnh, thành với sự thay đổi về địa giới hành chính sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

Dẫn trường hợp khi Hà Tây về Hà Nội trước đây, ông Bình cho rằng từ một tỉnh về Thủ đô thì chắc chắn có tác động đến tâm lý người dân và sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, việc sáp nhập không chỉ làm cho giá bất động sản tăng mà có thể giảm ở một số khu vực.

Ông dẫn chứng trước đây, người dân thường quan niệm nơi đặt trụ sở UBND các cấp là trung tâm. Ở đó, giá đất luôn cao hơn các khu vực khác do hạ tầng được đầu tư tốt hơn. Hiện nay, nhiều thông tin đồn thổi về việc 3-5 xã sáp nhập. Do tác động về tâm lý, nơi trở thành trụ sở mới giá đất sẽ được đẩy lên, song những nơi không còn là trung tâm nữa thì giá đất sẽ giảm. Tương tự, những tỉnh khi sáp nhập không còn là trung tâm nữa giá cũng có thể giảm.

“Thị trường bất động sản cũng là thị trường của tâm lý. Các nhà đầu tư bất động sản sẽ phấn chấn hơn khi có nhiều thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị mới tại các khu vực sáp nhập. Họ sẽ lợi dụng tin đồn về chính sách sáp nhập tỉnh, thành đang trong thời kỳ thai nghén để thổi giá đất nhằm trục lợi.

Tuy nhiên, cơn sốt này chỉ là hiện tượng tự phát, nhất thời, diễn ra trong thời gian ngắn. Các nhà đầu tư hiện nay không dễ chạy theo các tin đồn như vậy”, ông Bình phân tích.

Đặt vấn đề về việc các dự án bất động sản đang thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc chưa tính tiền sử dụng đất có bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập địa giới hay không, ông Lê Văn Bình cho hay bảng giá đất hiện tương đối ổn định, phân theo nhiều khu vực tại địa phương nên khi định giá cụ thể sẽ dựa trên cơ sở của các khu vực đó. Còn nếu thay đổi cũng phải có quy hoạch.

“Những vấn đề về thay đổi địa giới hành chính, quy mô đô thị chắc chắn sẽ tác động đến bất động sản. Nhưng tác động tích cực hay không còn tuỳ từng trường hợp cụ thể. Bởi, giá bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy hoạch, quá trình thu hút đầu tư, quá trình thực hiện quy hoạch...

Nếu không có quy hoạch, doanh nghiệp không vào đầu tư thì sẽ không tác động nhiều đến giá bất động sản”, ông Bình nói.

Loạt địa phương cảnh báo “sốt đất ảo” theo tin đồn sáp nhập

Theo ghi nhận, giá rao bán đất nền tại nhiều nơi như TP Hưng Yên, huyện Văn Giang (Hưng Yên), TP Việt Trì, TP Ninh Bình, TP Bắc Giang, khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng... đã tăng 5-15% so với cuối năm ngoái. Thậm chí, nhiều chủ đất còn rao giá tăng hơn 20% theo "sóng" sáp nhập.

Trước tình trạng trên, nhiều địa phương đưa ra cảnh báo nguy cơ "sốt đất ảo".

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu công an tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, gây bất ổn thị trường bất động sản sau thông tin sáp nhập.

Tại Thái Bình, công an tỉnh cũng đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Nếu phát hiện hành vi gian lận, thao túng thị trường, nhà đầu tư cần sớm trình báo cho cơ quan công an gần nhất.

Tỉnh Ninh Bình cũng giao công an tỉnh kiểm tra các hoạt động giao dịch bất động sản, đặc biệt tại TP Hoa Lư để xác minh tình trạng tăng giá bất thường.

Tương tự, cơ quan chức năng của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang... đồng loạt khuyến cáo người dân cẩn trọng, tránh rơi vào “bẫy” thổi giá sốt đất.

Ngay sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, ra văn bản cảnh báo, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh nhanh chóng “gãy sóng”. Nhiều chợ đất tự phát vắng bóng các nhà đầu tư.

Nghị định 96 quy định một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8, nêu rõ Nhà nước sẽ thực hiện biện pháp điều tiết thị trường khi chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm đánh giá biến động thị trường dựa theo chỉ số giá, lượng giao dịch và các chỉ số về kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực khác liên quan bất động sản.