|
Ông Trump bày tỏ sự không hài lòng khi Chủ tịch Fed Jerome Powell không cắt giảm lãi suất và đe dọa sẽ sa thải ông nếu muốn. Ảnh: Reuters. |
Trong hơn một thế kỷ qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được xem là trụ cột độc lập của hệ thống tài chính toàn cầu. Được quốc hội Mỹ thiết kế để tránh can thiệp chính trị trực tiếp, Fed giữ vai trò trung tâm trong việc hoạch định chính sách tiền tệ, giám sát hệ thống ngân hàng và ứng phó với khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt với sắc lệnh hành pháp mới đây, câu hỏi về giới hạn thực sự của sự độc lập này một lần nữa được đặt ra.
"Pháo đài" độc lập giữa "cơn lốc" chính trị
Fed là ngân hàng trung ương của Mỹ, có nhiệm vụ quản lý nguồn cung tiền thông qua việc điều chỉnh lãi suất. Trong quá trình này, Fed cân nhắc hai mục tiêu lớn - hay còn gọi là “nhiệm vụ kép”: kiểm soát lạm phát và đảm bảo thị trường lao động ổn định, theo Guardian.
Khi lạm phát tăng cao - như mức đỉnh 9% vào tháng 6/2022 - Fed buộc phải nâng lãi suất lên mức kỷ lục 5,25-5,5%. Đây là một bước ngoặt lớn nếu so với thời điểm đại dịch 2020-2021, khi lãi suất gần như bằng 0 để hỗ trợ nền kinh tế.
Gần đây, Fed đã bắt đầu hạ lãi suất, hiện dao động khoảng 4,25-4,5%. Điều này khiến thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực - cổ phiếu tăng điểm từ sau tháng 9 năm ngoái.
Với tầm ảnh hưởng sâu rộng, lịch sử thành lập của Fed gắn liền với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế, chống lạm phát và thất nghiệp, trong khi bảo vệ hệ thống tài chính khỏi các xung đột lợi ích chính trị ngắn hạn.
|
Fed là cơ quan được pháp luật bảo vệ như một thiết chế độc lập khỏi sự ảnh hưởng của các yếu tố chính trị. Ảnh: Reuters. |
Các thành viên Hội đồng Thống đốc Fed - gồm 7 người - được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm nhưng có nhiệm kỳ lên đến 14 năm. Đây là một trong những cơ chế bảo vệ Fed khỏi ảnh hưởng chính trị theo chu kỳ bầu cử.
Chủ tịch Fed - người giữ vị trí then chốt trong hoạch định chính sách tiền tệ, cũng do Tổng thống Mỹ đề cử nhưng phải được Thượng viện phê chuẩn, và có nhiệm kỳ riêng biệt 4 năm. Dù vậy, các tổng thống Mỹ không có quyền trực tiếp bãi nhiệm chủ tịch Fed nếu không có lý do pháp lý rõ ràng, Conversation cho biết.
Chính điều này đã tạo nên nền tảng cho một truyền thống hiếm hoi trong chính quyền liên bang: sự tồn tại của một cơ quan gần như "miễn nhiễm" với áp lực chính trị.
Sự can thiệp công khai
Theo New York Times, sắc lệnh hành pháp mà ông Trump ký gần đây đã gây lo ngại sâu sắc khi yêu cầu tất cả cơ quan quản lý độc lập - bao gồm cả Fed - phải trình các đề xuất thay đổi quy định lên Nhà Trắng để xem xét, đồng thời trao quyền cho Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) giám sát chi tiêu và định hướng ưu tiên của các tổ chức này.
Sắc lệnh này dù miễn trừ các quyết định về lãi suất - lĩnh vực then chốt trong chính sách tiền tệ - khỏi sự giám sát của OMB, nhưng vẫn tìm cách can thiệp vào hoạt động giám sát và điều tiết của Fed đối với Phố Wall. Đây là các lĩnh vực không kém phần quan trọng trong vai trò của Fed.
Chuyên gia luật tài chính Graham Steele nhận định: "Nếu Fed chấp nhận hiệu lực của sắc lệnh này, điều duy nhất ngăn cản ông Trump tiến xa hơn chính là khả năng tự kiềm chế của ông ấy".
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng đây có thể là bước đầu trong nỗ lực mở rộng quyền lực tổng thống lên cả lĩnh vực chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump từ lâu đã không che giấu sự thất vọng với Fed, đặc biệt là với Chủ tịch Jerome Powell.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông thường xuyên bày tỏ sự không hài lòng với ông Powell - người do chính ông Trump đề cử - vì không cắt giảm lãi suất đủ nhanh.
Mới đây, ông Trump đã tiếp tục công khai chỉ trích ông Powell là "kẻ thất bại" vì không cắt giảm lãi suất, cáo buộc Chủ tịch Fed “chơi trò chính trị” và tuyên bố bản thân có quyền sa thải ông Powell “rất nhanh” trước báo giới.
Từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã triển khai loạt thuế quan mới. Tuy nhiên, những chính sách này đang tạo áp lực lên thị trường tài chính.
Theo giới quan sát, ông Trump kỳ vọng việc hạ lãi suất sẽ giúp bù đắp những thiệt hại do những biện pháp thuế quan gây ra, đồng thời những phát ngôn giúp chuyển hướng dư luận, đưa ông Powell trở thành “vật tế thần” nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu.
Dù vậy, những phát biểu công khai của ông Trump vẫn khiến giới tài chính lo ngại về áp lực chính trị đè nặng lên cơ quan vốn được coi là độc lập này.
Song, ông Powell nhiều lần tái khẳng định rằng Fed hoạt động "theo luật pháp" và cam kết bảo vệ tính tự chủ trong các quyết định tiền tệ. Phát biểu tại hội nghị DealBook năm ngoái, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi có sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng tại Quốc hội. Đó là nền tảng cho sự độc lập của Fed".
![]() |
Chủ tịch Fed Jerome H. Powell đã nhiều lần lên tiếng kiên quyết bảo vệ tính độc lập của tổ chức này. Ảnh: The New York Times. |
Michael Barr - Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, người vừa từ nhiệm đầu năm nay - cũng cảnh báo rằng sự độc lập trong giám sát và điều tiết ngân hàng là yếu tố sống còn để hệ thống tài chính vận hành ổn định.
"Chúng tôi đã làm công việc này 110 năm với quyền tự chủ đáng kể. Không ai khác nên can thiệp vào quyết định có hay không xử phạt một ngân hàng vi phạm luật", ông nhấn mạnh.
Thực tế, ông Trump không phải là tổng thống đầu tiên muốn kiểm soát chặt hơn hoạt động của các cơ quan điều tiết. Tuy nhiên, các sắc lệnh của Ronald Reagan hay George W. Bush trước đây đều ít can thiệp sâu đến vậy.
Cơ chế bảo vệ Fed có đủ mạnh?
Hiện một câu hỏi pháp lý lớn đang được đặt ra là: Liệu tổng thống có thể sa thải chủ tịch Fed?. Câu trả lời phần lớn là không, trừ khi có bằng chứng về sai phạm rõ ràng.
Điều này từng được khẳng định qua các án lệ và thiết kế lập pháp. Chủ tịch Fed không thuộc diện "phục vụ theo ý tổng thống" như các bộ trưởng hay giám đốc cơ quan hành pháp khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng quyền lực gián tiếp của Nhà Trắng vẫn có thể gây áp lực lên Fed thông qua các con đường khác - như cắt giảm ngân sách, can thiệp vào cơ cấu nhân sự, hay ra lệnh gián tiếp thông qua các cơ quan như OMB.
Scott Alvarez - cựu cố vấn pháp lý của Fed - lo ngại rằng sắc lệnh mới của ông Trump là một "đòn tấn công vào cả lập pháp và cơ quan độc lập", đặc biệt khi trao quyền cho OMB điều chỉnh ngân sách của các cơ quan mà không cần sự đồng thuận từ quốc hội.
Jeremy Kress - cựu quan chức ngân hàng tại Fed - chỉ ra rằng sắc lệnh không đưa ra bất kỳ lý do pháp lý cụ thể nào để giải thích tại sao một số chức năng của Fed được miễn trừ, còn các chức năng khác thì không.
"Nếu một ngày nào đó ông Trump không hài lòng với chính sách lãi suất, thì sắc lệnh tiếp theo có thể nhắm thẳng vào chính sách tiền tệ", ông cảnh báo.
Kathryn Judge - chuyên gia luật tài chính tại Đại học Columbia - bổ sung rằng không thể chia cắt sự độc lập của Fed chỉ theo chức năng.
"Bạn không thể yêu cầu một tổ chức độc lập về chính sách tiền tệ nhưng lại ràng buộc họ về giám sát ngân hàng - vì hai yếu tố này đan xen và hỗ trợ nhau trong thực tiễn", vị chuyên gia này cho biết thêm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.