Kể từ năm 2023, một nghề mới có tên là “người đồng hành cùng trẻ” đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong các gia đình trung lưu và thượng lưu tại Trung Quốc. Những người làm nghề này kết hợp vai trò của bảo mẫu cao cấp, gia sư nội trú và bác sĩ tâm lý, còn được gọi là “cha mẹ thuê” hoặc “mẹ thuê”. Mức lương dao động từ 10.000 đến 30.000 tệ mỗi tháng (tương đương 36 – 108 triệu đồng), thậm chí có người được đồn đoán đạt mức thu nhập 100.000 tệ/tháng (khoảng 360 triệu đồng).
Muốn chăm trẻ nhà giàu, phải giỏi tiếng Anh và có bằng cấp cao
Công việc của những người chăm trẻ không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sinh hoạt thường ngày mà còn bao gồm cả việc phụ đạo học tập, rèn thói quen và hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Đồng thời, yêu cầu tuyển dụng cũng cực kỳ cao: bằng đại học là điều kiện tối thiểu, người có bằng thạc sĩ, từng du học hoặc sử dụng tiếng Anh lưu loát thường được ưu tiên. Ngoài ra, nếu biết lái xe hoặc có năng khiếu về nghệ thuật, thể thao, giáo dục sớm, thì mức lương có thể còn cao hơn nữa.
Phần lớn người thuê dịch vụ này là những doanh nhân thành đạt, giám đốc hoặc tầng lớp có thu nhập cao. Vì quá bận rộn để tự mình nuôi dạy con, họ chấp nhận bỏ số tiền lớn thuê người "có trình độ" thay mình đảm nhận vai trò đó. Họ xem người đồng hành cùng trẻ như một phần quan trọng trong khoản đầu tư giáo dục, với hy vọng dùng "sức của người khác" để bù đắp cho sự thiếu hụt về mặt tinh thần của con trẻ.

Bề ngoài, những người chăm trẻ tuy sớm chiều sống chung với gia đình người thuê, gắn bó mật thiết với con trẻ. Tuy nhiên, xét cho cùng, mối quan hệ giữa họ và gia đình vẫn chỉ một "người ngoài" được ràng buộc bằng hợp đồng.
Công việc của những người chăm trẻ vô cùng bận rộn, bắt đầu từ 6 giờ sáng và kéo dài đến sau 10 giờ đêm mới có thể thể nghỉ ngơi. Bán Hạ - một thạc sĩ từ bỏ công việc văn phòng để làm người đồng hành cùng trẻ tại gia, hiện thu nhập 25.000 tệ mỗi tháng (khoảng 91 triệu đồng). Công việc của cô bao gồm nấu ăn, giặt giũ, chuẩn bị bài học, kèm trẻ làm bài tập và giải toả cảm xúc của trẻ, không lúc nào được ngơi tay.
Cường độ làm việc cao khiến nhiều người trong nghề rơi vào tình trạng kiệt sức cả thể chất lẫn tinh thần. Một số người chia sẻ, từ sau khi vào nghề, họ gần như không còn đời sống riêng tư, "như cái bóng trong ngôi nhà người khác", thậm chí không có cơ hội chăm chút cho bản thân.
Ngoài ra, họ còn phải khéo léo ứng xử trong môi trường gia đình phức tạp, giữ khoảng cách phù hợp với phụ huynh, ông bà và người giúp việc trong nhà. Vừa gần gũi với trẻ, lại không được vượt quá giới hạn. Như lời một người nói: "Giống như người nhà, nhưng mãi mãi là người ngoài."
Góc khuất trong cách nuôi dạy con của các gia đình giàu có

Trong quá trình làm việc lâu dài với các gia đình thượng lưu, nhiều người chăm trẻ nhận ra rằng đằng sau vẻ hào nhoáng là vô vàn lo âu và bất lực trong chuyện nuôi dạy con cái của bậc cha mẹ. Họ thường rơi vào mô hình: "mẹ bận rộn, cha vắng mặt", lấy phần thưởng vật chất thay cho tình cảm thật sự. Trẻ nhỏ ngày càng phụ thuộc vào quà tặng và dần hình thành thói quen "không có quà thì không làm".
Những người chăm trẻ thường bị mắc kẹt giữa sự thiếu nhất quán trong cách dạy con của các phụ huynh. Người mẹ muốn họ nghiêm khắc hơn một chút nhưng lại không nỡ để con bị ấm ức; còn người cha thì thường xuyên vắng mặt, gần như không tham gia vào quá trình giáo dục của con nhỏ.
Nam đồng hành cùng trẻ tên Kiền Vũ từng làm việc trong một gia đình đơn thân chia sẻ: Đứa trẻ nghiện game, tính cách rất nghịch. Người mẹ thường xuyên đi công tác, còn bà ngoại thì sức khỏe yếu. Một lần, đứa trẻ bật khóc nói: "Không ai quan tâm cháu hết, nếu chú không quan tâm, thì ai quan tâm cháu đây?"
Tuy nhiên, sự đồng hành của người ngoài rốt cuộc vẫn không thể thay thế được tình thân. Khi nhận ra cha mẹ vắng mặt trong thời gian dài, nhiều trẻ bắt đầu có thái độ bài xích, thậm chí từ chối sự hiện diện của "những người đồng hành" trong cuộc sống của mình.
Trong nhận thức của nhiều người, nghề "người đồng hành cùng trẻ" không phải là một công việc danh giá. Thế nhưng dưới áp lực cuộc sống, ngày càng nhiều người trẻ có học vấn cao chủ động gia nhập vào ngành này.
Bán Hạ - là thạc sĩ tốt nghiệp trường 211 (trường Đại học trọng điểm của Trung Quốc), từng làm việc tại một công ty nước ngoài, nhưng thu nhập không như kỳ vọng nên cô quyết định nghỉ việc và chuyển hướng. Yiki – một nghiên cứu sinh ngành nghệ thuật – sau khi thất bại trong kỳ thi biên chế, cô cũng chọn bước vào nghề. Dù công việc vất vả, cô vẫn cho rằng: "Chỉ khi có tiền, mình mới có tư cách lựa chọn."
Với Kiền Vũ, nghề này là bàn đạp để tiến vào lĩnh vực đào tạo và môi giới giáo dục. Anh tin rằng, tuy nghề "người đồng hành cùng trẻ" vẫn chưa được chuẩn hóa, nhưng trong thời đại dịch vụ giáo dục gia đình đang là xu hướng, nghề này vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Sự nổi lên của nghề "người đồng hành cùng trẻ" phản ánh rõ nét nỗi lo lắng trong cách nuôi dạy con thời hiện đại. Nhiều gia đình giàu có đang biến việc chăm con thành một "dự án có thể ủy quyền". Thế nhưng, tình yêu và sự gắn kết thật sự thì không thể mua bằng tiền, cũng không thể thay thế bằng hợp đồng.
Đằng sau mức lương hấp dẫn là cái giá phải trả: hy sinh tự do cá nhân, cảm xúc bị đè nén, đời sống cá nhân gần như bị đóng băng. Giá trị và sự đánh đổi của nghề này, chính là bức tranh chân thực về những mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con giữa thời hiện đạị.
Theo Sohu