Theo chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thương (khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), các hoạt chất chống oxy hóa quý trong trà xanh như epicatechin (EC), axit gallic và EGCG có thể bị phá hủy nếu pha trà bằng nước quá nóng hoặc ngâm quá lâu.
Nhiệt độ lý tưởng là khoảng 70-80 độ C, thời gian hãm trà chỉ nên từ 2-3 phút để giữ lại hương vị và dưỡng chất, tránh giải phóng quá nhiều tannin khiến trà đắng, khó uống và gây khó chịu dạ dày.
Thời gian uống trà cũng ảnh hưởng đến hiệu quả. Khoảng 30-60 phút sau bữa sáng là thời điểm lý tưởng để giúp tinh thần tỉnh táo, tăng trao đổi chất. Buổi chiều từ 2-3h là lúc thích hợp để cải thiện sự tập trung.
Tuy nhiên, uống trà khi bụng đói có thể gây đau dạ dày, buồn nôn do tannin kích thích tiết axit. Hợp chất này cũng làm giảm hấp thu sắt và protein, gây táo bón nếu dùng không hợp lý.

Trà xanh được biết đến như thức uống thanh mát, bổ dưỡng với vô vàn lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh hoạ)
Trà xanh chứa caffeine – tuy ít hơn cà phê nhưng vẫn đủ để gây mất ngủ, tim đập nhanh hoặc bồn chồn ở người nhạy cảm. Caffeine có thể tồn tại trong cơ thể đến 6 tiếng, nên cần tránh uống sau 5 giờ chiều.
Nhiều người có thói quen thêm đường, sữa hoặc mật ong vào trà để tăng vị ngọt. Tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng. Chất béo và protein trong sữa làm giảm hoạt tính chống oxy hóa của trà. Đường khiến tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa nếu dùng thường xuyên. Đặc biệt, thêm mật ong vào trà còn nóng (trên 50 độ C) sẽ làm mất các enzyme có lợi, giảm giá trị dinh dưỡng của mật ong.
Dù có nhiều lợi ích, trà xanh không thể thay thế nước lọc - vốn là môi trường sống thiết yếu của cơ thể. Hơn nữa, lượng caffeine trong trà có thể khiến cơ thể mất nước nếu dùng quá mức. Người trưởng thành chỉ nên uống khoảng 2-3 tách trà mỗi ngày (400-600 ml), cân đối với nhu cầu sức khỏe và thể trạng cá nhân.
Chuyên gia cảnh báo, catechin trong trà có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa một số loại thuốc, làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ, đặc biệt với thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc chống trầm cảm.
Phụ nữ mang thai, cho con bú, người thiếu máu hoặc trong kỳ kinh nguyệt cũng nên hạn chế uống trà do caffeine và tannin làm giảm hấp thu sắt, gây mất ngủ và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh nếu mẹ đang cho con bú.
Trà xanh là thức uống tốt, nhưng cần sử dụng đúng cách: pha ở nhiệt độ phù hợp, uống vào thời điểm hợp lý, tránh dùng chung với thuốc hoặc thêm phụ gia không cần thiết. Uống quá nhiều hay lạm dụng thay nước lọc đều có thể khiến lợi hóa hại.