Tờ The Guardian (Anh) đăng tải thông tin về một nghiên cứu mới tại Mỹ, nói rằng hóa đơn giấy từ các chuỗi bán lẻ lớn có chứa rất nhiều Bisphenol S (BPS), một hóa chất chỉ cần tiếp xúc qua da trong vòng 10 giây đã có thể khiến cơ thể hấp thu đủ lượng chất độc vi phạm ngưỡng an toàn của bang California.
Những phát hiện này đang được sử dụng làm bằng chứng trong các hành động pháp lý nhằm yêu cầu các nhà bán lẻ ngừng sử dụng giấy biên lai xử lý bằng BPS, một chất có liên quan đến ung thư và các rối loạn sinh sản.
Cần hiểu thông tin này ra sao?
Thông tin này đã gây hoang mang lớn trong cộng đồng vì BPS là chất thường sử dụng trong giấy in nhiệt, đặc biệt là hóa đơn, biên lai, vé...
Trước thông tin "sốc" rằng chỉ cần cầm hóa đơn trong 10 giây đã có thể hấp thụ chất độc, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ – chuyên gia Sinh học phân tử trong Y học (hiện công tác tại Mỹ) – cho biết:
“Khi đọc thông tin trên, tôi đã tìm kiếm nguồn gốc nghiên cứu và được biết đây là công bố từ một tổ chức môi trường và sức khỏe có trụ sở tại California (Center for Environmental Health - CEH). Họ dẫn nghiên cứu được thử nghiệm tại một phòng thí nghiệm độc lập. Tuy nhiên, tôi chưa tìm thấy số liệu gốc (khuyến cáo liều phơi nhiễm BPS) trong công bố hay bất cứ bài báo khoa học nào đáng tin cậy”.

BPS, BPA có trong hoá đơn.
Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh: “Các nghiên cứu trước đây cho thấy BPS rất khó thẩm thấu qua da. Một nghiên cứu năm 2020 đã thoa BPS liều 1mg/kg lên da trong 6 giờ, nhưng kết quả cho thấy gần như không có BPS được hấp thu vào máu tại mọi thời điểm. Thời điểm hấp thu cao nhất sẽ xuất hiện sau 6 giờ”.
Nếu BPS được hấp thu, nó cũng không lưu lại lâu trong cơ thể mà sẽ được đào thải qua nước tiểu sau vài giờ, và hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể sau 48 giờ.
Giấy in nhiệt có nguy hiểm?
Tiến sĩ Vũ cho biết, trước đây công nghệ in nhiệt thường sử dụng Bisphenol-A (BPA) – một chất nhạy nhiệt phủ trên bề mặt giấy. Khi đầu in nhiệt tác động, BPA phản ứng với chất tạo màu tạo nên chữ và hình ảnh rõ nét, nhanh khô. Đây là kỹ thuật rẻ tiền, dễ sản xuất và đã phổ biến từ những năm 1960.
Từ thập niên 1990, công nghệ in nhiệt trở thành tiêu chuẩn trong: in hóa đơn, vé xe, vé máy bay, nhãn dán sản phẩm… Tuy nhiên, từ đầu những năm 2010, nhiều nghiên cứu đã cảnh báo nguy cơ sức khỏe do tiếp xúc với BPA.
“BPA có cấu trúc hóa học tương tự estrogen – một hormone tự nhiên của cơ thể – do đó có thể làm rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sinh sản, hệ miễn dịch, thần kinh và có nguy cơ gây ung thư. Vì vậy, BPA là chất độc cần được hạn chế sử dụng. Từ năm 2012, nhiều tổ chức môi trường và bảo vệ người tiêu dùng đã kêu gọi cấm BPA trong giấy in nhiệt, chuyển sang sử dụng BPS thay thế”, Tiến sĩ Vũ nói.
Liều gây độc của BPA là bao nhiêu?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, liều khuyến cáo của BPA của các cơ quan tổ chức trên thế giới cụ thể:
- Mỹ (FDA): 50 mg/kg/ngày
- Châu Âu: 4 mg/kg/ngày
- California (Luật 65): 0,05 mg/kg/ngày
Dù vậy, nhiều nghiên cứu sau đó cũng cho thấy BPS không an toàn hơn BPA là bao nhiêu, và chỉ nên sử dụng ở mức tối thiểu, ông Vũ nói.
Người tiêu dùng nên làm gì?
Tiến sĩ Vũ cho rằng, người tiêu dùng không cần quá lo lắng nếu chỉ thi thoảng tiếp xúc với hóa đơn. Tuy nhiên, cần lưu ý:
- Nếu tay ướt hoặc dính cồn, khả năng hấp thụ BPS sẽ cao hơn.
- Người thường xuyên tiếp xúc với hóa đơn, như nhân viên bán hàng, nên đeo găng tay khi làm việc để hạn chế hấp thụ BPS trong 8 giờ/ngày.