Thứ người Việt từng cho không ai lấy hóa ra là mặt hàng thượng hạng: Xuất 'đi Tây' có doanh thu khó tin

Xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, đặc biệt ở các nước phát triển.

Xơ mướp, từng là thứ vô giá trị đối với người Việt, thường cho không ai lấy, nay đã “biến hóa” thành sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường, xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Canada, thu về ngoại tệ cao.

Một trong những mô hình trồng mướp mang lại thu nhập cao cho nông dân Việt Nam có thể kể đến tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Người dân nơi đây không chỉ thu hoạch quả mướp non để tiêu thụ làm thực phẩm mà còn sử dụng quả già lấy xơ – nguyên liệu được xuất khẩu sang các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Mô hình trồng mướp lấy xơ xuất khẩu đã giúp người nông dân tại đây có thu nhập ổn định, ước tính đạt từ 140 đến 160 triệu đồng/1ha.

Thứ người Việt từng cho không ai lấy hóa ra là mặt hàng thượng hạng: Xuất 'đi Tây' có doanh thu khó tin- Ảnh 1.

Nông dân xã Thanh Tiên đang sơ chế xơ mướp.

Người dân xã Thanh Tiên trồng mướp và thu hoạch quả non để bán làm thực phẩm, đồng thời duy trì mật độ quả trên giàn để cây có đủ dinh dưỡng nuôi quả. Sau khoảng 5 tháng kể từ khi trồng, quả mướp sẽ già để lấy xơ. Toàn bộ xơ mướp đạt chuẩn được các công ty bao thu mua với giá cam kết ban đầu.

Không chỉ ở xã Thanh Tiên, tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều hộ dân đã liên kết với doanh nghiệp để trồng mướp lấy xơ xuất khẩu. Người dân nơi đây thu hoạch khoảng 60.000 trái mướp mỗi năm, bán với giá 5.000 đồng/trái, thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm.

So với việc bán quả ăn, người dân trước đây chỉ thu về khoảng 100 triệu đồng/năm, nhiều vụ giá thấp, thương lái không đến thu mua, phải chật vật tìm đầu ra. Từ khi chuyển sang trồng mướp lấy xơ, người dân tại đây được công ty bao tiêu sản phẩm.

Hướng đi trồng mướp lấy xơ xuất khẩu hiện nay được phát triển ra nhiều tỉnh và giúp người dân có nguồn thu ổn định.
Anh Nguyễn Hoàng Long – chủ cơ sở sơ chế xơ mướp ở huyện Củ Chi – chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Trung bình các sản phẩm dao động từ 30.000 - 60.000 đồng, còn xuất khẩu thì tôi đầu tư bao bì hai thứ tiếng, bán từ 3 - 5 USD mỗi sản phẩm.”

Ban đầu, anh chỉ nhận sơ chế để cung cấp cho một số cơ sở spa trên địa bàn. Đến nay, xưởng của anh cung cấp từ 3.000 đến 5.000 sản phẩm xuất khẩu mỗi tháng, hơn một nửa là sang Hàn Quốc và châu Âu. Mỗi năm, xưởng xuất khẩu 3 – 5 đơn hàng với trị giá từ 30.000 đến 40.000 USD/đơn.

Vì sao sản phẩm xơ mướp được thị trường quốc tế ưa chuộng?

Xơ mướp là nguyên liệu thiên nhiên, có thể phân hủy sinh học, thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững đang được ưa chuộng tại nhiều nước phương Tây.

Xơ mướp được dùng để sản xuất các sản phẩm gia dụng như bông tắm, miếng cọ nồi, miếng rửa bát, lót giày, túi xách. Các sản phẩm này sau đó được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Sản phẩm từ xơ mướp phù hợp với phong cách sống “green living” – sống xanh, sống khỏe, đang trở thành trào lưu mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển.

Đa số các sản phẩm xơ mướp được làm thủ công, mang tính truyền thống và bản sắc văn hóa, khiến khách Tây cảm thấy thú vị và có giá trị hơn.

Với xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng tăng, thị trường cho các sản phẩm từ xơ mướp đang mở rộng. Việc phát triển mô hình sản xuất và xuất khẩu này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.