Thừa room cho vay margin chứng khoán

Dù dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán quý IV/2024 đã tăng 6% so với quý liền kề, đạt đỉnh 243.000 tỷ đồng, room cho vay còn lại vẫn ở mức kỷ lục trên 320.000 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán đều gia tăng quy mô dư nợ margin trong năm 2024 nhưng room cho vay còn lại vẫn rất lớn. Ảnh: Nam Khánh.

Theo thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 70 công ty chứng khoán, đại diện 99,2% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đã đạt gần 243.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, tăng hơn 6% so với cuối quý III/2024 nhưng cao hơn 40% so với cuối năm 2023.

Đà mở rộng về quy mô dư nợ cho vay tập trung tại 10 công ty chứng khoán nhưng phần lớn không thuộc phân khúc bán lẻ, tức không có nhiều khách hàng là nhà đầu tư cá nhân vay margin.

Cho vay margin cao kỷ lục nhưng room còn thừa

Cụ thể, Công ty Chứng khoán SSI dẫn đầu về mức tăng tuyệt đối của dư nợ margin khi tăng thêm 2.800 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái, tiếp đến là VPBankS, Chứng khoán VIX, HSC, Vietcap, ACBS, Mirae Asset.

Xét theo tốc độ tăng trưởng, Công ty Chứng khoán HD dẫn đầu với mức tăng vượt trội 83%, đưa quy mô dư nợ cho vay margin lên 1.241 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam và Công ty Chứng khoán Rồng Việt chứng kiến dư nợ margin giảm mạnh lần lượt 609 tỷ đồng (-10%) và 535 tỷ đồng (-17%).

Nhìn chung, các công ty chứng khoán top đầu đều ghi nhận đà tăng trưởng về dư nợ cho vay margin so với quý trước lẫn cuối năm 2023. Riêng VNDirect là trường hợp ghi nhận dư nợ margin quý IV/2024 giảm gần 3% so với quý liền trước, xuống 10.148 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) đang dẫn đầu toàn ngành với dư nợ cho vay margin hơn 25.600 tỷ đồng, theo sau là SSI (21.815 tỷ đồng) và HSC (20.428 tỷ đồng).

Bất chấp tình trạng suy giảm doanh thu từ nghiệp vụ môi giới, việc ghi nhận số dư nợ cho vay margin lớn đã bù đắp đáng kể nguồn thu cho các công ty chứng khoán. Điển hình như SSI thu 570 tỷ đồng (+30%) từ mảng cho vay này còn TCBS cũng thu về hơn 706 tỷ đồng (+39%).

DƯ NỢ VAY MARGIN CỦA CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TĂNG VỌT
Số liệu tính đến cuối năm 2024. Nguồn: FiinTrade.
NhãnTCBSSSIHSCMirae AssetVPSVietcapVNDirectMBSVPBankSACBS
Dư nợ cho vay margin Tỷ đồng 256062181520428182551220811105101481011994478556
Room còn lại
10024494121672466172141879540233591670819

Dư nợ margin quý IV/2024 của ngành chứng khoán tăng trong bối cảnh thanh khoản giao dịch trên thị trường giảm về mức thấp nhất 7 quý (bình quân chỉ đạt gần 13.200 tỷ đồng/phiên) còn chỉ số VN-Index đi ngang với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian. Tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ giữa margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float) chạm mức 10,2%, cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu các công ty chứng khoán đã đạt gần 89%, cũng là mức cao nhất trong vòng 9 quý. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn VN-Index đạt đỉnh hơn 1.500 điểm hồi cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.

Đáng chú ý, dù dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục, nhờ các đợt tăng vốn chủ sở hữu trước đó, hiện room cho vay margin còn lại của ngành chứng khoán vẫn rất dồi dào.

Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ hiện nay, room cho vay margin còn lại của các công ty chứng khoán ước tính còn hơn 323.000 tỷ đồng, cũng là số dư cao nhất từ trước đến nay.

Thực tế trong năm vừa qua, các công ty chứng khoán lớn đều thực hiện tăng vốn nhằm mở rộng khả năng cho vay. Một số công ty có tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu lớn như HSC (195%) cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ, lên trên 10.800 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi trong công ty chứng khoán chạm đáy 6 quý

Trong khi đó, quy mô tài sản của nhà đầu tư đã giảm mạnh 61.000 tỷ đồng (-4%) trong quý IV/2024. Tổng tài sản tài chính (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… được quản lý bởi các công ty chứng khoán) đã giảm 43.700 tỷ đồng (-3%).

Dữ liệu từ FiinTrade cũng cho thấy lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã giảm quý thứ 3 liên tiếp về hơn 73.500 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 quý gần đây.

du no cho vay margin,  vay ky quy,  cong ty chung khoan,  bao cao fiintrade anh 1

Quy mô tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm mạnh. Ảnh: FiinTrade.

Dù giảm 20% so với quý trước, VPS vẫn là công ty dẫn đầu về lượng tiền gửi của nhà đầu tư với 17.200 tỷ đồng trong quý IV/2024. Đây cũng là nhà môi giới dẫn đầu thị phần trên HoSE với hơn 18%.

Diễn biến dư nợ margin cùng với quy mô tài sản của nhà đầu tư trong quý cuối năm ngoái cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang các loại tài sản khác, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh khối ngoại tiếp tục bán ròng, các chuyên gia từ FiinTrade đánh giá triển vọng ngắn hạn của thị trường không mấy tích cực.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.