Tôi thấy họ làm như thế!
Một năm đi ra thế giới, bên cạnh việc tham dự các Hội sách, ghé thăm nhà sách hoặc thư viện, tôi đã học được rất nhiều “sàng khôn” từ các chuyến đi!
Vientiane - Lào:
Trở lại Vientiane - Lào đầu năm 2023, sân bay Wattay đã được nâng cấp, sạch đẹp hơn xưa. Vẫn còn phải điền form nhập cảnh nhưng thủ tục khá nhanh. Vientiane vẫn là thủ đô hiền hòa, ít nhà cao tầng. Mùa này, sông Mekong ngay khúc nhà hàng Moon the night cạn nước. Đường phố không mở rộng và ít công trình đang xây dựng. Xe hơi nhiều hơn trước và đây đó vẫn kẹt xe vào giờ cao điểm. Buổi sáng Chủ nhật ở quán phở bò ngon nhất Vientiane, khách ngồi kín bàn. Tiếng Lào, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc lao xao. Người Trung Quốc đã hiện diện rất rõ tại Vientiane. Theo lời người bạn Lào, người Trung Quốc đã mua khu Chợ Chiều và từ đó, chạy dọc ra sân bay, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng... bảng hiệu toàn tiếng Trung Quốc.
Vientiane đã mở thêm một casino ở gần cầu Hữu Nghị - biên giới Thái Lan. Tôi có ghé qua siêu thị Parkson vừa xây dựng xong. Tuy nhiên, cửa hàng còn thưa thớt, chưa kín 2 lầu. Do chi phí mặt bằng cao, giá hàng hóa đắt nên người dân vẫn đi chợ truyền thống là chính. Ở Vientiane, gần như không có nhà sách. Tại Chợ Sáng có vài gian hàng nhỏ bán dăm ba cuốn sách. Tôi gặp Thakeo, nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay ở Lào. Bạn cho biết một cuốn sách bestseller ở quốc gia này chỉ bán được khoảng 5.000 bản.
Bologna - Ý
Đầu tháng 3/2023, tôi đã tham dự Hội sách thiếu nhi lớn nhất thế giới ở Bologna - Ý. Được tổ chức lần đầu năm 1963, tới nay, Hội sách Thiếu nhi Bologna (BCBF) là nơi trao đổi bản quyền sách thiếu nhi chuyên nghiệp. Bên cạnh mua bán bản quyền sách, BCBF cũng thúc đẩy phát triển các tác phẩm phái sinh từ sách thiếu nhi như phim ảnh, phim hoạt hình… Trong khuôn khổ hội sách còn công bố một số giải thưởng lớn như: Giải thưởng BolognaRagazzi, Hans Christian Andersen, Giải tưởng niệm Astrid Lindgren.
Bologna còn là quê hương của trường đại học lâu đời nhất trên thế giới, Đại học Bologna (Alma Mater Studiorum Universita di Bologna) được thành lập từ năm 1088. Một điều hay ho nữa là đồ ăn ở Bologna khá rẻ. Những đêm ở đây, tôi thường ăn tối ở nhà hàng Trung Quốc và Singapore. Giá rẻ hơn tại Việt Nam cho cùng món ăn.
Tham gia Hội sách, mới thấy thế giới đã quan tâm nhiều đến thiếu nhi như thế nào. Đủ thể loại, đa sắc màu và bay bổng. Zenbooks là công ty Việt Nam duy nhất có gian hàng tại Hội sách và chúng tôi đã tiếp đón nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới. Đặc biệt, chúng tôi đã gặp Hội người Việt ở Bologna. Họ rất mừng vì có một công ty sách Việt Nam đến Bologna và mang theo sách tiếng Việt để trưng bày. Kết thúc Hội sách, chúng tôi đã tặng lại toàn bộ sách mang theo cho Hội người Việt ở đây. Có 3 điều tôi rút ra từ Hội sách Bologna. Thứ nhất, sách thiếu nhi là một thị trường sách lớn và cần đầu tư đúng mức. Thứ hai, việc có gian hàng ở hội sách là cách tốt nhất để quảng bá doanh nghiệp và văn hóa đất nước. Cuối cùng, nhu cầu của một bộ phận đồng bào xa xứ về sách tiếng Việt là có thật. Cho nên, cần tìm giải pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu chính đáng này.
Quảng Tây - Trung Quốc
Cuối tháng 6/2023, tôi đến Quảng Tây, tham gia “Hành trình những tác giả trẻ Asean tại Trung Quốc” theo lời mời của Hội Nhà văn nước này. Họ đánh giá các tác giả trẻ, nhà phiên dịch là đại diện thích hợp để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các nước. Chúng tôi có 1 tuần để cùng khám phá tỉnh Quảng Tây, tìm hiểu về văn hóa dân tộc đa dạng, đi thăm các di tích văn hóa, doanh nghiệp, làng quê nông thôn, từ đó thêm hiểu hơn về quá khứ và hiện tại của Trung Quốc.
Ban tổ chức đã rất chu đáo khi bố trí cho tôi hai phiên dịch. Tại các hội thảo chính thức, người phiên dịch là tiến sĩ về tiếng Việt, nhiều năm học tập ở Hà Nội. Còn khi đi tham quan, phiên dịch là một sinh viên xuất sắc cuả Khoa Tiếng Việt - Đại học Quảng Tây. Hệ thống nhà sách ở Trung Quốc khá nhiều và đa số đều có diện tích lớn. Trong nhà sách, có cả quán cà phê, bán bánh ngọt, phòng đọc sách cho gia đình, rạp chiếu phim nhỏ và trung tâm dạy trẻ em lắp ráp mô hình, robot… Các trường đại học ở Trung Quốc đang triển khai mô hình Nhà sách bên trong trường. Họ cho phép các công ty sách mở nhà sách lớn bên trong khuôn viên với nhiều chính sách ưu đãi. Và toàn bộ giáo trình, học cụ sẽ được bán ở đây. Tôi đã đến thăm 2 nhà xuất bản lớn ở Quảng Tây. Họ giới thiệu những cuốn sách hay nhất của họ với mức giá bản quyền khá rẻ. Thậm chí, họ sẵn sàng tặng bản quyền tiếng Việt một số cuốn sách hay. Ý thức quảng bá văn hoá của người Trung Quốc khá mạnh mẽ.
Frankfurt - Đức
Tháng 10/2023, tôi đến Frankfurt - hội sách lớn nhất thế giới với tâm thế học hỏi để có thể đóng góp tốt hơn cho ngành xuất bản của Việt Nam chứ không chỉ thương lượng mua bản quyền cho công ty sách Saigon Books. Đây là lần đầu tiên, đoàn Việt Nam dự hội sách đông đảo như vậy với gần 100 người, trong đó có đại diện lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát Hành cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, các nhà xuất bản và công ty phát hành sách lớn.
TP.HCM cũng lần đầu tiên có gian hàng tại hội sách. Đoàn Việt Nam và TP.HCM đã có những cuộc họp có giá trị với lãnh đạo Hội sách Frankfurt, các hội xuất bản lớn trên thế giới và trong khu vực với mục đích rất rõ ràng: học hỏi kinh nghiệm để Việt Nam có thể tổ chức các hội sách có tầm cỡ khu vực và quốc tế trong năm 2024; chuẩn bị cho việc quảng bá ngành xuất bản Việt Nam tốt hơn trong hội sách năm sau.
Trong quá trình đàm phán mua bản quyền với các nhà xuất bản lớn, tôi phát hiện có những cái tên người Việt ở vai trò tác giả hoặc thiết kế, minh hoạ; nhiều người đang sinh sống ở Việt Nam. Như vậy, đang hình thành một lực lượng tác giả người Việt cộng tác trực tiếp với các nhà xuất bản lớn trên thế giới.
Để Việt Nam có thể trở thành “khách mời danh dự” của Hội sách Frankfurt trong tương lai, hay tổ chức các hội sách lớn tầm cỡ quốc tế, rất cần nỗ lực của nhiều người. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của Indonesia khi đã chi ra hàng triệu USD để chuyển ngữ những tác phẩm nổi tiếng của Indonesia sang tiếng Anh và giới thiệu với cộng đồng quốc tế.
Oslo - Na Uy
Rời Frankfurt, tôi đến thăm một số nước Bắc Âu. Tôi có ấn tượng mạnh khi đến thăm Thư viện cộng đồng Oslo của Na Uy. Nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố, sát mép Vịnh Oslo, thư viện trông như những trang sách mở. Thư viện được xây dựng bằng công nghệ và vật liệu thân thiện với môi trường, trang trí đẹp, có lầu 2 dành cho trẻ em vui chơi, có đủ chổ để đọc sách, làm việc, thư giãn, gặp gỡ bạn bè và cả tận hưởng một không gian yên tĩnh, thanh bình. Thư viện có hơn triệu cuốn sách, văn hóa phẩm bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có hơn 200.000 đầu sách cho trẻ em. Điều đáng tiếc là sách tiếng Việt chỉ có hơn 100 đầu sách và đa số là sách cũ, đã xuất bản từ hàng chục năm trước.
Đến thăm Thư viện Oslo - lại nghĩ về hệ thống thư viện của Việt Nam. Tôi nghĩ Nhà nước ngoài việc quy hoạch trường học tại các khu dân cư, nên chăng tính toán thêm quy hoạch cả thư viện cộng đồng. Và tư duy về quản lý thư viện cũng cần thay đổi. Thay vì thư viện là nơi cất giữ, bảo quản sách thì phải trở thành nơi sinh hoạt văn hoá và khuyến khích, mời gọi người dân đến đọc sách.
(*) Chủ tịch HĐQT Pega Holdings, Thành viên Hội đồng Sách Doanh nhân