Sáng 17/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri TP Hà Nội, sáng 17/4. Ảnh: Như Ý.
Tổ chức lại cấp xã gần dân nhất, phục vụ mọi yêu cầu của nhân dân
Tại hội nghị, các cử tri nêu nhiều vấn đề, trong đó đánh giá cao và thể hiện sự đồng thuận, nhất trí, ủng hộ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang triển khai, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sắp xếp đơn vị hành chính. Cử tri cũng đề nghị các cơ quan có liên quan quan tâm việc sử dụng các trụ sở, cơ quan dôi dư sau sắp xếp; lưu ý vấn đề đặt tên các đơn vị hành chính sau sắp xếp đảm bảo giữ được truyền thống văn hóa...
Sau khi lắng nghe các ý kiến cử tri, phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ rất mừng, rất xúc động khi thấy cử tri, nhân dân đồng tình cao với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tổng Bí thư nêu, các cử tri đều muốn các chủ trương, chính sách này được triển khai sớm, phục vụ sự phát triển của đất nước...
Thông tin với cử tri, Tổng Bí thư cho biết, vừa qua, Hội nghị Trung ương 11 đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược quan trọng, trong đó có vấn đề về tổ chức bộ máy, theo quan điểm chuyển từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển đất nước.
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương được xác định trên tinh thần khoa học, đột phá, bám sát thực tiễn, hướng tới mục tiêu hình thành và mở rộng không gian phát triển mới cho địa phương và đất nước", Tổng Bí thư nói.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, theo Tổng Bí thư, không chỉ giảm chi phí hành chính mà phải tạo dư địa để phát triển cho từng địa phương, cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân. Đó mới là hiệu quả lớn.
"Tất nhiên, bộ máy tinh gọn thì giảm biên chế, giảm chi tiêu để phục vụ nguồn lực, tiết kiệm ngân sách, dành nguồn lực vào những việc khác quan trọng hơn", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.
Nêu về việc Trung ương đã gương mẫu làm trước, rồi Quốc hội, Chính phủ, MTTQ cũng đã triển khai, và được đánh giá là rất tốt, không ảnh hưởng đến hoạt động của quốc gia, của người dân, Tổng Bí thư cho biết, hiện đang tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Tổng Bí thư, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, cần phân cấp rõ ràng, cấp trung ương làm gì, cấp tỉnh, thành phố làm gì, cấp xã làm gì, không có nhiệm vụ trùng giẫm nhau, phân công, phân cấp rõ ràng.
Về cơ cấu chính quyền cấp xã, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải tránh hai khuynh hướng: xã lớn quá, như một huyện nhỏ; hoặc xã quá nhỏ, thì dẫn tới không hiệu quả.
"Trước đây có một việc thôi mà trung ương cũng làm, tỉnh cũng làm, huyện cũng làm, xã cũng làm, không biết ranh giới của việc này nó đến đâu, không rõ trách nhiệm. Bây giờ quy định rõ trung ương làm những gì, làm những việc về chiến lược, lo việc quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Còn phải phân cấp về tỉnh, thành phố, địa phương. Cho nên tổ chức lại cấp xã là cấp gần dân nhất, phục vụ mọi yêu cầu của nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân. Tất cả những việc gì xuất phát từ nhân dân thì chính quyền cấp xã phải nắm được hết", Tổng Bí thư nói.
" Làm sao chính quyền phải quản lý, phải nắm được mọi tâm tư nguyện vọng của nhân dân , triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng tổ dân phố. Nếu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà không được triển khai, nhân dân không nắm được, thì không đi vào được cuộc sống, không đi vào thực tiễn", Tổng Bí thư nói.
Ví dụ thêm, Tổng Bí thư nêu, chính quyền xã phải biết được trong địa phương mình có bao nhiêu trẻ em đến độ tuổi đi học để chuẩn bị trường lớp, giáo viên cho đủ; bao nhiêu người mắc bệnh để có phương án chăm sóc y tế...



Các cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.
Tổng Bí thư cũng nêu, Hội nghị Trung ương 11 cũng bàn nhiều nội dung chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, đã tiếp thu, hoàn chỉnh một bước các dự thảo văn kiện, tuy nhiên, sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, trong đó sẽ công bố để xin ý kiến nhân dân, để văn kiện thực sự đi vào lòng dân, đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của người dân, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Không thể chậm trễ hơn được
Tổng Bí thư cho biết, vừa qua, đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, truyền hình, phát thanh trực tiếp, thông tin rộng rãi đến nhân dân để nhân dân nắm rõ thông tin từ truyền đạt trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong năm 2025, theo Tổng Bí thư, có 3 việc phải tiếp tục thực hiện tốt. Một là hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước; triển khai sắp xếp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Tổng Bí thư, Trung ương cũng xác định 3 nhiệm vụ chiến lược của quốc gia trong giai đoạn mới, trong đó, đầu tiên là phải duy trì được hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ để người dân sống trong hòa bình, hạnh phúc. Thứ hai là phải phát triển đất nước hướng tới 2 mục tiêu 100 năm. Thứ ba, là nâng cao đời sống cho nhân dân.
"Việc này cần hoàn thành sớm trong năm 2025. Những bước đi, những mốc thời gian, việc nào, phải làm gì, Trung ương đều đã đặt ra để triển khai, không thể chậm trễ việc này. Như chúng tôi nói, việc này phải tính đến hằng ngày, đến thời gian ấy là phải hoàn thành, không được chậm trễ, nếu chậm hơn là ảnh hưởng đến công việc khác. Những việc này phải làm đồng thời", Tổng Bí thư nói.
Việc thứ hai, theo Tổng Bí thư, là phải chuẩn bị cho Đại hội XIV và bầu cử ĐBQH khóa XVI, HĐND các cấp. Đến nay, đã xác định ngày bầu cử, thậm chí ngày họp Quốc hội kỳ đầu tiên để bầu ra bộ máy mới. Việc thứ ba, là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, sự phát triển của đất nước, trong đó trọng tâm là tăng trưởng về kinh tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, 3 công việc trọng tâm này có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, không thể dừng lại, không thể chỉ thực hiện một việc mà phải thực hiện đồng thời cả ba việc. Hoàn thiện nhanh bộ máy nhà nước để đi vào hoạt động, phục vụ đại hội các cấp, và Đại hội toàn quốc, không thể chậm trễ hơn được.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.
"Chúng ta tổ chức đại hội, chúng ta tổ chức sắp xếp bộ máy cũng không được để ảnh hưởng đến phát triển của đất nước, sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tất cả những việc đó là công việc bình thường, phải đảm bảo như vậy...", Tổng Bí thư nêu.
3 ưu tiên để xử lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp
Theo Tổng Bí thư, công tác cán bộ rất quan trọng, là then chốt của then chốt, phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm để phục vụ nhân dân. Bộ máy cơ quan không phải là nơi trú chân an toàn; cán bộ có yếu tố cá nhân, trung bình chủ nghĩa thì không thể có vị trí trong bộ máy.
Tổng Bí thư lưu ý, phải thay đổi cơ chế để tuyển chọn người tài, bởi, hiện nay, có những người du học nước ngoài, trình độ rất cao, am hiểu nhiều vấn đề, nhưng do nhiều yếu tố, không thể vào được bộ máy. Họ rất có mong muốn đóng góp cho đất nước, thì phải có chính sách tiếp nhận, bố trí, sắp xếp.
Với cán bộ dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư cho biết, sẽ có chính sách ưu đãi, thậm chí, nếu còn trẻ có thể bố trí được đi đào tạo lại, bổ sung kiến thức về khoa học công nghệ, chính trị... để tiếp tục cống hiến cho đất nước. Khuyến khích những người rời bộ máy nhà nước lập doanh nghiệp, khởi nghiệp, làm sao mọi người đều phải lao động, tạo ra của cải vật chất.
Về trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp , Tổng Bí thư định hướng bố trí sử dụng cho 3 lĩnh vực còn khó khăn về cơ sở hạ tầng. Một là trường học, bởi hiện nay, như ở Hà Nội, nhiều phường đang rất thiếu trường học. Những cơ quan, trụ sở dôi dư sẽ ưu tiên cải tạo, sửa chữa làm trường học. Thứ hai, có thể sử dụng các cơ quan, trụ sở này thành cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế phường... Thứ ba, có thể bố trí trụ sở, cơ quan dôi dư sau sắp xếp trở thành những nơi hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho nhân dân.
"Nếu làm tốt được như thế thì không có chỗ nào lãng phí cả. Đây là những cơ sở của nhà nước, vẫn giữ nguyên của nhà nước, nay để làm việc này. Chứ còn chỗ này, chỗ kia bán hết rồi, đấu thầu hết rồi thì phục vụ nhân dân không có chỗ. Nhân lúc này chúng ta mới sắp xếp được, tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ nhân dân...", Tổng Bí thư nói.