Tp.HCM chuẩn bị 3 cấp độ ứng phó thiên tai

Phó Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Phước Lộc yêu cầu toàn hệ thống chính trị Thành phố sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai ở nhiều cấp độ, đảm bảo không bị động, lúng túng khi có sự cố xảy ra.

Huy động tổng lực, không để gián đoạn chức năng chính trị

Tại cuộc họp ứng phó ảnh hưởng bão số 3 vào chiều tối ngày 21/7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM - ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh tinh thần chủ động, hiệp đồng thống nhất và hành động nhanh chóng trong công tác phòng chống thiên tai.

Theo ông, Thành phố cần sớm triển khai các phương án theo 3 cấp độ: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

“Chúng ta phải chuẩn bị từ sớm, từ trước, không chờ đến khi thiên tai xảy ra mới triển khai. Nếu có sự cố bất ngờ, phải có sẵn kịch bản, phương án cụ thể để chủ động ứng phó", ông Lộc nhấn mạnh.

Tp.HCM chủ động ứng phó bão: Phải có phương án từ sớm, không để bị động - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại cuộc họp khẩn chiều 21/7.

Phó Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ Tư lệnh Tp.HCM, lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng trong việc huy động lực lượng “3 tại chỗ” để xử lý hậu quả giông lốc vừa qua.

Ông yêu cầu các cấp chính quyền, MTTQ và đoàn thể tiếp tục phối hợp đồng bộ, sẵn sàng về nhân lực, vật lực và phương tiện, đảm bảo các hoạt động chính trị - xã hội không bị ngắt quãng trong tình huống khẩn cấp.

Đặc biệt, MTTQ Tp.HCM được giao vai trò chủ trì trong công tác hậu cần, hướng dẫn MTTQ các quận, huyện và Tp.Thủ Đức (cũ) phối hợp cơ sở triển khai hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng theo đúng Quyết định 24 của UBND Tp.HCM.

“Quan điểm là hỗ trợ theo từng cấp độ, từng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, hộ khó khăn. Không để người dân bị bỏ lại phía sau”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tp.HCM chủ động ứng phó bão: Phải có phương án từ sớm, không để bị động - Ảnh 2.

Đại tá Trần Văn Quyết, Phó tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Tp.HCM báo cáo nhanh về tình hình cứu hộ, hỗ trợ người dân vào ngày 20/7. Đại tá Quyết cho biết, giông lốc, mưa lớn đã làm tốc mái 49 căn nhà, 1 căn nhà bị sập, đổ 73 cây xanh, hư hại 2 xe ô tô, 1 xe máy. Bộ Tư lệnh Tp.HCM đã huy động 1.155 cán bộ, chiến sĩ cùng người dân tham gia khắc phục hậu quả.

Triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ

Phó Bí thư Thành ủy Tp.HCM đề nghị các cơ quan chuyên môn khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng kích hoạt phương án ứng phó theo từng cấp độ thiên tai.

Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Văn phòng UBND Tp.HCM tham mưu ban hành quy định, chính sách mới phù hợp thực tiễn.

Tp.HCM chủ động ứng phó bão: Phải có phương án từ sớm, không để bị động - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM Nguyễn Phước Lộc đề nghị thực hiện theo 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nếu xảy ra sự cố.

7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Phó Bí thư Thành ủy xác định bao gồm: Ứng phó, khắc phục hậu quả giông lốc, bão; Đảm bảo thông tin liên lạc, điện, nước, giao thông; Hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men; Cứu hộ - cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố; Đảm bảo khám chữa bệnh, dịch vụ y tế liên tục; Khắc phục thiệt hại trường học, lớp học, nhà dân; Hỗ trợ khôi phục cây trồng, vật nuôi và sinh kế người dân.

Tp.HCM cũng đã huy động lực lượng ứng phó chuyên ngành như đơn vị cây xanh, điện lực, cấp thoát nước phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng vũ trang để xử lý tình huống khi có thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Phước Lộc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai. Theo ông, tuy chính quyền vào cuộc quyết liệt, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự phòng tránh và sự đoàn kết của nhân dân.

“Người dân phải được thông tin đầy đủ để tự bảo vệ mình, gia đình mình. Truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ, chính xác, để không tạo hoang mang nhưng đủ cảnh báo và hướng dẫn phòng tránh hiệu quả", ông nói.

Phó Bí thư Thành ủy Tp.HCM cũng lưu ý các sở, ngành không sử dụng khó khăn làm lý do chậm trễ trong triển khai công việc. Mọi đơn vị phải nắm rõ nhiệm vụ, chủ động đề xuất giải pháp, báo cáo kịp thời để Tp.HCM có phương án chỉ đạo sát tình hình.

Ông Nguyễn Phước Lộc khẳng định, Tp.HCM sẽ không để bị động trước thiên tai. Mỗi ngành, mỗi cấp phải có phương án riêng và phối hợp nhịp nhàng để ứng phó hiệu quả. “Càng khó khăn, càng phải chủ động. Chúng ta làm việc không chỉ bằng trách nhiệm hành chính, mà bằng tinh thần vì dân, vì sự an toàn của nhân dân".

Tp.HCM chủ động ứng phó bão: Phải có phương án từ sớm, không để bị động - Ảnh 4.
Tp.HCM chủ động ứng phó bão: Phải có phương án từ sớm, không để bị động - Ảnh 5.

Nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng vào cơn giông lốc, mưa lớn vào ngày 20/7.

Trước đó, vào khoảng 12h trưa ngày 20/7, một trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn và gió giật mạnh đã bất ngờ đổ bộ vào phường Bình Thạnh (Tp.HCM) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương phối hợp khắc phục hậu quả và đề xuất các phương án hỗ trợ kịp thời.

Theo báo cáo, có 3 căn nhà bị hư hại nặng, mỗi căn ước tính khoảng 24m2, ước tính thiệt hại ban đầu về tài sản vào khoảng 45 triệu đồng, rất may mắn không có thiệt hại về người trong sự cố này.

Để kịp thời động viên và sẻ chia khó khăn với các gia đình bị ảnh hưởng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bình Thạnh hiện đã tham mưu và Bí thư Đảng ủy phường đã trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất mỗi hộ 5 triệu đồng.

Sáng ngày 21/7, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được chỉ đạo tất cả sở, ban ngành, phường, xã, đặc khu rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với mưa lớn, dông lốc, ngập lụt do bão số 3 gây ra. Các địa phương, đơn vị phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để kịp thời xử lý tình huống, hỗ trợ người dân khi có sự cố.

Các địa phương ven biển, đặc khu Côn Đảo được yêu cầu triển khai phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, kể cả tàu du lịch. Phải kiểm đếm, hướng dẫn, chủ động yêu cầu tàu thuyền rời khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn.

Bộ Tư lệnh Tp.HCM, Công an Tp.HCM, Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng được yêu cầu chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết, yêu cầu các đơn vị vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước, chặt tỉa cây xanh, ngừng hoạt động tàu du lịch khi thời tiết xấu, hạn chế biểu diễn ngoài trời, khẩn trương khắc phục sự cố điện và tăng cường truyền thông để người dân chủ động phòng tránh thiên tai.

Tp.HCM chủ động ứng phó bão: Phải có phương án từ sớm, không để bị động - Ảnh 6.Tp.HCM: Cây to lâu năm gãy đổ đè phương tiện lưu thông trên đường

Một cây cổ thụ to nằm trên trục đường Trần Quang Diệu nối dài Trần Huy Liệu (quận 3 cũ) bất ngờ gãy đổ đã làm giao thông bị chia cắt nhiều giờ đồng hồ.