Từ sinh viên trở thành triệu phú: Bí mật để mở khóa "con đường vàng" cho thế hệ trẻ

Theo PGS.TS Phạm Văn Song, thế hệ trẻ chính là “hạt nhân” để đưa Việt Nam vươn lên sánh vai cùng các cường quốc.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Với các sinh viên trẻ đầy tiềm năng, khởi nghiệp không chỉ là con đường hiện thực hóa ước mơ mà còn là cơ hội để rèn luyện tư duy, kỹ năng và tinh thần làm chủ cuộc đời.

Gần đây, tại diễn đàn Giáo dục Khởi nghiệp Quốc gia năm 2025, PGS.TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (MIT University Vietnam), nhấn mạnh: "Khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là việc thành lập một doanh nghiệp, mà rộng hơn, nó là quá trình biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, tạo ra giá trị mới cho xã hội".

Vậy khởi nghiệp mang ý nghĩa như thế nào đối với sinh viên, và vai trò của các trường đại học trong việc khơi dậy tinh thần này ra sao?

Xu hướng tất yếu trong thời đại mới: Trở thành "hạt nhân" đưa Việt Nam vươn lên sánh vai với các cường quốc

Khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong thời đại mới. Đối với sinh viên, khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thành lập doanh nghiệp mà là hành trình phát triển bản thân, rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng thích nghi trong một thế giới không ngừng biến động.

Theo PGS.TS Phạm Văn Song, sự cần thiết của khởi nghiệp trong sinh viên không chỉ nằm ở việc tạo ra các doanh nghiệp mới mà còn ở việc hình thành một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có khả năng tự chủ và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Những sinh viên này chính là "hạt nhân" để đưa Việt Nam vươn lên sánh vai cùng các cường quốc.

Từ sinh viên trở thành triệu phú: Bí mật để mở khóa "con đường vàng" cho thế hệ trẻ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" hay Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 – 2030. Những chính sách này đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, nhưng để biến chúng thành hiện thực, vai trò của các trường đại học là không thể thiếu.

Sở hữu nhiều lợi thế nhưng cần kiên định vượt qua thách thức

Sinh viên sở hữu nhiều lợi thế để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Họ là những người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, ít bị ràng buộc bởi tư duy lối mòn và luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức.

PGS.TS Phạm Văn Song nhận định: "Sinh viên là những người trẻ, ít bị ràng buộc bởi các tư duy lối mòn, luôn có những ý tưởng mới mẻ, đột phá và tràn đầy nhiệt huyết để biến ý tưởng thành hiện thực".

Môi trường đại học giúp sinh viên tiếp cận nhanh chóng với kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là về chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, tạo nền tảng vững chắc cho các dự án khởi nghiệp. Hơn nữa, với ít gánh nặng tài chính hơn so với những người đã đi làm, sinh viên có thể chấp nhận rủi ro cao hơn khi thử sức với các ý tưởng mới, giúp họ tự tin hơn trong việc hiện thực hóa những dự án sáng tạo.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của sinh viên không hề dễ dàng. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Dù được trang bị lý thuyết tại trường, việc chuyển đổi từ lý thuyết sang thực hành vẫn là một khoảng cách lớn.

Sinh viên thường thiếu kỹ năng về tài chính, quản lý nhân sự, marketing và điều hành doanh nghiệp. Việc huy động vốn cũng là một bài toán khó khi các dự án khởi nghiệp của sinh viên thường có quy mô nhỏ và chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.

PGS.TS Phạm Văn Song chỉ ra: "Nhiều ý tưởng khởi nghiệp hiện tại hầu như bị lặp, chưa có tính sáng tạo cao, chưa gắn với nhu cầu thực tế của người dân, cộng đồng". Điều này khiến các dự án khó thu hút đầu tư và gặp trở ngại khi tiếp cận thị trường. Ngoài ra, cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp còn hạn chế, và sự phối hợp giữa các bộ phận trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thực sự chặt chẽ.

Một thách thức khác là tư duy an toàn, thiếu văn hóa chấp nhận rủi ro của sinh viên, làm hạn chế khả năng đưa ý tưởng vào thực tiễn.

Từ sinh viên trở thành triệu phú: Bí mật để mở khóa "con đường vàng" cho thế hệ trẻ- Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Văn Song.

Cần có "vườn ươm" và "lò lửa" để nuôi dưỡng

Trường đại học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là "lò lửa" hun đúc tinh thần khởi nghiệp và "vườn ươm" nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo. Để hỗ trợ sinh viên, các trường cần tập trung vào hai nhiệm vụ chính: khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp các biện pháp hỗ trợ thiết thực.

Việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp không đồng nghĩa với việc ép sinh viên phải khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thay vào đó, trường đại học cần "gieo mầm" tư duy sáng tạo và tinh thần làm chủ.

Ngay từ năm đầu, sinh viên cần được giáo dục về vai trò của khởi nghiệp đối với cá nhân và xã hội. Các buổi workshop, talkshow với sự tham gia của doanh nhân thành công và cả những người từng thất bại sẽ giúp sinh viên học hỏi từ thực tiễn và giảm bớt nỗi sợ vấp ngã. Nhà trường cũng cần khuyến khích tư duy phản biện, giúp sinh viên nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ để tạo ra các ý tưởng sáng tạo, thực tiễn.

Đồng thời, việc xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro là cần thiết để sinh viên dám thử nghiệm, học hỏi từ sai lầm và coi đó là bài học quý giá. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công bắt nguồn từ các đề tài nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, tại Đại học Công nghệ Miền Đông, các dự án như "Ứng dụng công nghệ sấy lạnh đối với sản phẩm khóm" hay "Đẩy mạnh marketing cho sản phẩm sầu riêng" đã giúp sinh viên khởi nghiệp thành công.

Bên cạnh việc hun đúc tinh thần, các trường đại học cần cung cấp các hỗ trợ cụ thể để biến ý tưởng thành hiện thực. Về đào tạo, việc đưa môn "Sáng tạo và khởi nghiệp" vào chương trình giảng dạy là một bước đi đúng đắn, nhưng không nên chỉ giới hạn ở 1-2 tín chỉ. Cần tăng thời lượng và kết hợp với các hoạt động thực tế như talkshow, trải nghiệm thực tế. Các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, quản lý tài chính, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng cần được lồng ghép để tạo nền tảng vững chắc.

Về cơ sở vật chất, trường đại học nên xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối với các quỹ đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời phát triển các không gian sáng tạo như coworking space hay phòng thí nghiệm. Ví dụ, MIT University đã hợp tác với JN Capital để tạo vườn ươm khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo và nông nghiệp thông minh.

Ngoài ra, việc thành lập mạng lưới cố vấn gồm các doanh nhân và chuyên gia sẽ giúp sinh viên được định hướng và hỗ trợ trong suốt quá trình khởi nghiệp. Nhà trường cũng cần tăng cường hợp tác với các bộ phận trong hệ sinh thái khởi nghiệp để giúp sinh viên tiếp cận chính sách và nguồn lực.

Cuối cùng, nâng cao năng lực giảng viên là yếu tố then chốt. Giảng viên cần được đào tạo bài bản về khởi nghiệp và được khuyến khích tham gia vào quá trình hỗ trợ sinh viên.