Tuổi 50, tôi bật khóc nhận ra vì sao con mình tốt nghiệp ngành hot Công nghệ thông tin mà lại phải nằm nhà "ăn bám" cha mẹ

Cách dạy dỗ của tôi đã sai ngay từ đầu.

*Chia sẻ của một bà mẹ tại Trung Quốc:

Con trai tôi là cử nhân tốt nghiệp một trường đại học thuộc nhóm 985 (những trường top đầu tại Trung Quốc). Sau hai năm đi làm, nó gặp không ít khó khăn trong công việc và cuối cùng lựa chọn sống cuộc sống “nằm yên không cố gắng” (躺平 - hiện tượng giới trẻ Trung Quốc từ chối cạnh tranh, sống an phận). Điều này khiến tôi sâu sắc nhận ra: yêu chiều con quá mức đôi khi không phải là lựa chọn đúng đắn.

“Làm mẹ toàn thời gian”

Vợ chồng tôi đều là giáo viên trung học, bố mẹ chồng là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu. Khi kết hôn, chúng tôi đã có nhà và xe, được xem là gia đình có điều kiện khá tốt trong khu vực.

Tôi là giáo viên dạy toán, còn chồng tôi đúng lúc đó đang phát triển sự nghiệp, sau này trở thành hiệu trưởng trường cấp thành phố, bận đến mức hầu như không có thời gian cho gia đình.

Do là giáo viên chủ lực của trường, tôi không thể từ chối công việc làm chủ nhiệm. Dù biết sẽ rất vất vả nhưng cũng không muốn làm khó lãnh đạo, nên sau khi con trai cai sữa, tôi vẫn nhận làm chủ nhiệm lớp kiêm giáo viên toán.

Khi đó, bà nội giúp trông cháu. Tôi mỗi ngày trời chưa sáng đã đi làm, đến tận 11 giờ đêm mới về, còn phải thường xuyên nghe điện thoại từ phụ huynh hay nhà trường. Một học kỳ trôi qua, tôi kiệt sức, còn mẹ chồng thì không ít lần than phiền, mệt mỏi.

Tôi từng định thuê người giúp việc, nhưng tìm người phù hợp vô cùng khó khăn. Người trẻ không chịu làm, còn phụ nữ trung niên từ nông thôn thì bố mẹ chồng lại không yên tâm, sợ ảnh hưởng tới cháu.

Trong lúc bối rối, bố mẹ chồng đề nghị tôi nghỉ việc để chăm con. Sau nhiều đấu tranh tư tưởng, tôi đã từ bỏ sự nghiệp, trở thành người mẹ toàn thời gian.

Con trai tôi được chăm sóc như hoàng tử, sống trong "bình mật ngọt ngào".

Tuổi 50, tôi bật khóc nhận ra vì sao con mình tốt nghiệp ngành hot Công nghệ thông tin mà lại phải nằm nhà "ăn bám" cha mẹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ mẫu giáo, tôi đã lo cháu không ngủ ngon vì phòng không có điều hòa, ngủ chung với bạn có thể không hợp thói quen, nên mỗi trưa tôi đều đón về nhà ngủ rồi chiều đưa trở lại.

Lên tiểu học, trường chỉ cách nhà chưa đến 2km nhưng phải qua 2 đèn giao thông, cả nhà lo lắng, nên tôi ngày ngày đi lại 6 lượt sáng - trưa - tối suốt 6 năm.

Lên trung học, trường bắt buộc ở nội trú, tôi đành chấp nhận. Nhưng tôi vẫn mang cơm tối đến ba lần mỗi tuần, thành "mẹ mang cơm" nổi tiếng ở cổng trường.

Lên cấp 3, con thi đậu vào trường điểm ở trung tâm thành phố. Cả nhà dốc sức mua nhà gần trường để tiện chăm sóc, chỉ cần con muốn ăn món nhà, là chúng tôi mang đến liền.

Từ nhỏ đến lớn, con tôi không cần làm bất cứ việc nhà nào. Thậm chí đến khi thi đại học, còn ăn cơm ngay tại bàn học.

Con luôn là học sinh xuất sắc, tự nhận là "học bá", tôi thường đại diện phụ huynh phát biểu trong các buổi họp. Gia đình luôn tự hào về cháu.

Thi đại học, cháu đỗ vào trường 985, chọn ngành hot – công nghệ thông tin. Mọi người ngưỡng mộ, tôi cảm thấy bao năm vất vả đã được đền đáp.

Cả nhà tiễn con vào đại học, ở lại một tuần tại khách sạn gần trường để cháu làm quen, rồi mới yên tâm về nhà.

Tuy học tập rất giỏi, nhưng cháu lại hoàn toàn không biết tự lo cuộc sống. Nửa đêm ôm điện thoại khóc vì nhớ nhà, nhớ đồ ăn mẹ nấu, không ăn nổi đồ căn tin, tôi nghe mà xót xa.

Dù giành học bổng cao, cháu vẫn sống bằng mì gói, trà sữa, không biết giặt đồ, dọn phòng, lúng túng trong giao tiếp. Các bạn từng trêu chọc cháu vì những điều nhỏ nhặt, khiến cháu tổn thương sâu sắc.

Cháu nhiều lần gọi về khóc. Chồng tôi và tôi thường tranh thủ các kỳ nghỉ để lên thăm, mang đồ ăn, giặt đồ, như chăm trẻ con. Những lúc đó là lúc cháu vui nhất, cười hồn nhiên như một đứa trẻ mẫu giáo.

Tôi bắt đầu thấy hoài nghi: tình yêu tôi dành cho con, có thật là đúng đắn?

Ra trường, nhờ người quen, cháu xin được vào một doanh nghiệp nhà nước. Nhưng chỉ sau nửa năm, cháu xin nghỉ vì cảm thấy quá mệt mỏi với quan hệ công sở, công trình vất vả, ăn uống không hợp.

Sau khi nghỉ việc, cháu về nhà, chúng tôi động viên cháu nghỉ ngơi rồi tìm việc khác. Cháu sau đó vào Nam làm việc, lương tốt, ngành đúng chuyên môn, tưởng như đã ổn.

Nhưng chỉ chưa đầy 6 tháng, cháu lại xin nghỉ. Lý do: không có căng tin, ký túc xá, mọi việc phải tự lo.

Lúc này, tôi thật sự tức giận.

Tự nguyện “nằm yên”

Hai năm sau tốt nghiệp, con tôi nhảy việc nhiều lần, lần nào cũng vì lý do sinh hoạt. Cuối cùng, cháu từ bỏ tất cả, về nhà “nằm yên”.

Ngày ngày, cháu chỉ ngồi trước máy tính hoặc ngủ đến trưa. Tôi nhìn con mà lòng đau như dao cắt.

Mỗi khi tôi khuyên nhủ, cháu phản bác: “Con ngoài học ra chẳng biết gì. Con không muốn ra ngoài tự chuốc khổ. Nhà mình có của cải rồi, đâu cần lương ba cọc ba đồng của con, mẹ đừng ép nữa…”

Cháu nói đúng. Nhà tôi có ba căn nhà, ba mặt bằng cho thuê, một mình con là người thừa kế. Chỉ riêng tiền cho thuê cũng đủ sống thoải mái.

Nhưng tôi không thể chấp nhận một thanh niên từng tốt nghiệp 985 lại sống chỉ để đợi thừa kế!

Chúng tôi khuyên cháu thi vào cơ quan nhà nước, dù mức thấp, nhưng ổn định. Cháu gật đầu, nhưng không còn tinh thần học như trước.

Chúng tôi dần lớn tuổi, mối quan hệ xã hội cũng ít đi, muốn giúp cũng lực bất tòng tâm.

Livermore từng nói: "Tài nguyên xã hội có hạn, thứ tốt phải tranh giành. Chỉ có kẻ yếu mới ngồi chờ được chia phần".

Nhưng con tôi giờ không còn sức tranh đấu, chỉ chờ nhận "quà" từ chúng tôi – những người cũng đã bất lực.

Tôi bắt đầu hối hận.

Tình yêu cha mẹ dành cho con nên là sự buông tay, để con được làm chính mình, sống cuộc đời con mong muốn.

Tôi từng nghĩ hy sinh vì con là vĩ đại, từng tự hào khoe khoang. Nhưng giờ đây, tôi mới nhận ra: tình yêu mù quáng khiến tôi không nỡ buông tay, cuối cùng lại làm mất đi khả năng tự lập của con – đó không phải là yêu thương, mà là phá hỏng.

Nhìn đứa con nằm yên, tôi rơi nước mắt hối hận. Nếu có thể quay lại một lần nữa, tôi thà làm một người mẹ quyết đoán và cứng rắn.