TS.BS Phạm Bình Nguyên – Chuyên gia tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nếu được sàng lọc kịp thời.
Đối với ung thư đại trực tràng, điều quan trọng là không nên chờ đến khi có triệu chứng mới đi khám.
“Bởi ở giai đoạn đầu, ung thư đại trực tràng thường "rất ngoan" – không gây đau, không chảy máu, thậm chí có thể khiến người bệnh lầm tưởng là hệ tiêu hóa đang hoạt động tốt. Đây là sự nhầm lẫn tai hại”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Nội soi đại trực tràng phát hiện khối u (ảnh minh hoạ).
Sàng lọc để "đi trước một bước"
Để bảo vệ sức khỏe lâu dài, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh: “Người khỏe mạnh, không có triệu chứng vẫn nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng từ tuổi 45. Trường hợp có người thân từng mắc bệnh, nên đi kiểm tra sớm hơn, thậm chí từ trước 40 tuổi, bởi yếu tố di truyền là điều không thể xem nhẹ”.
Đặc biệt, bác sĩ Nguyên cảnh báo rằng không có triệu chứng không đồng nghĩa với không có bệnh. Nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm không biểu hiện rõ ràng, khiến người bệnh dễ chủ quan. Vì vậy, sàng lọc chính là “nước đi trước” để phát hiện những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn đầu – khi việc điều trị còn đơn giản và hiệu quả cao.
"Đừng đợi đến lúc có triệu chứng, bởi khi đó, cuộc chơi có thể đã bước vào hiệp khó hơn”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Chọn đúng phương pháp
Sàng lọc, chẩn đoán ung thư đại trực tràng không thể thiếu “vũ khí” quan trọng là chọn đúng "đòn đánh", bác sĩ Nguyên cho hay.
Hiện nay, có nhiều phương pháp sàng lọc và chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Các phương pháp này được chia thành hai nhóm chính: không xâm nhập và xâm nhập.
Phương pháp không xâm nhập - phù hợp tầm soát cộng đồng
Các phương pháp này bao gồm:
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT/FIT): Phát hiện máu vi thể – dấu hiệu sớm của tổn thương dù người bệnh chưa có triệu chứng.
- CT đại tràng: Tái tạo hình ảnh ruột mà không cần nội soi.
- Nội soi viên nang: Nuốt một viên “thuốc camera” để ghi lại toàn bộ hành trình trong đường ruột.
- X-quang khung đại tràng (thụt Barit): Phương pháp cổ điển, vẫn hữu ích tại các cơ sở y tế hạn chế điều kiện.
Theo bác sĩ Nguyên, ưu điểm chung của phương pháp này là ít xâm lấn, dễ chấp nhận, thích hợp cho sàng lọc quy mô lớn trong cộng đồng.
Phương pháp xâm nhập - phát hiện và can thiệp đồng thời:
Phương pháp này gồm nội soi đại tràng sigma hoặc toàn bộ đại tràng. Có thể áp dụng các kỹ thuật hiện đại như nội soi ánh sáng trắng, nội soi phân giải cao, nhuộm màu, phóng đại hình ảnh…
Ưu điểm của phương pháp nội soi là vừa chẩn đoán, vừa xử lý được tổn thương. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật cao, có thể gây khó chịu và không phù hợp cho tầm soát đại trà.
“Người Việt rất sợ ung thư – nhưng lại ngại tầm soát. Chúng ta thường chỉ đi khám khi cơ thể ‘lên tiếng’. Nhưng ung thư – đặc biệt là ung thư đại trực tràng – lại rất ‘lịch sự’. Nó không gây đau, không khiến bạn mệt, mà cứ âm thầm phát triển. Khi phát hiện, có khi đã muộn”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Vì thế, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, mọi người hãy chủ động phòng bệnh – vì phòng bao giờ cũng dễ và rẻ hơn chữa. Hiện thế giới đã đưa FIT trở thành “vũ khí đầu tiên” trong cuộc chiến chặn đứng ung thư từ giai đoạn tiền lâm sàng và đã thu được nhiều thành công.