PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để so sánh giá trị dinh dưỡng giữa cá và thịt, không chỉ xét hàm lượng protein, mà quan trọng là khả năng tiêu hóa và hấp thụ vào cơ thể.
Cá có cấu trúc lỏng lẻo, sợi protein ngắn và mềm hơn thịt. Khi chế biến như rán, kho hoặc nấu chín kỹ, cá dễ nhai, thậm chí có thể tan ngay trong miệng. Nhờ vậy, enzym trong dạ dày dễ phân giải cá thành các axit amin, dạng cơ thể hấp thụ tốt nhất. So với thịt, cá dễ tiêu hơn, từ đó giúp hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn, đặc biệt phù hợp với người lớn tuổi.

Cá có cấu trúc lỏng lẻo, sợi protein ngắn và mềm hơn thịt. (Ảnh minh hoạ)
Ngoài protein dễ tiêu, cá còn chứa nhiều khoáng chất quý mà thịt không có hoặc ít hơn. Tuy nhiên, không phải loại cá nào cũng tốt. Nhiều nơi nuôi cá trong môi trường nước bẩn, khiến cá dễ nhiễm kim loại nặng và các độc tố, đặc biệt tập trung ở ruột. Bộ phận này cũng có thể chứa ký sinh trùng, trứng sán, giun xoắn… Ngoài ra, một số người có thói quen uống mật cá như cá trắm, điều này có thể gây ngộ độc và tử vong.
Do đó, nên chọn cá sạch, loại bỏ ruột và tuyệt đối không ăn mật cá.
Dù giàu dinh dưỡng hơn nhưng cá không thể thay thế hoàn toàn thịt. Chuyên gia khuyến cáo nên duy trì chế độ ăn đa dạng để đảm bảo đủ dưỡng chất và tạo cảm giác ngon miệng. Với người cao tuổi, nên giảm thịt đỏ (như thịt bò, lợn, dê, chó) và tăng cường ăn cá để tốt cho tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.