Vì sao chọn Đà Nẵng làm tên gọi sau hợp nhất với Quảng Nam?

Với tỷ lệ hơn 99% cử tri tán thành, đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã được HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua ngày 26/4, chọn tên gọi Đà Nẵng cho tỉnh mới.

Giữ tên Đà Nẵng giúp tối ưu tiềm năng phát triển và hội nhập

Ngày 26/4, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thống nhất phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một thành phố trực thuộc Trung ương, với tên gọi là thành phố Đà Nẵng.

Trung tâm chính trị - hành chính sau khi hợp nhất được đặt tại quận Hải Châu, nơi hiện là trung tâm hành chính của thành phố Đà Nẵng.

Vì sao chọn Đà Nẵng làm tên gọi sau hợp nhất với Quảng Nam?- Ảnh 1.

Với tỷ lệ hơn 99% cử tri tán thành, đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã được HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua ngày 26/4, chọn tên gọi Đà Nẵng cho tỉnh mới.

Theo đề án, thành phố mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 11.867 km², dân số hơn 3 triệu người và 94 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 23 phường, 70 xã và đặc khu Hoàng Sa. Sau khi sáp nhập, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất khu vực miền Trung về diện tích và quy mô dân số.

UBND thành phố Đà Nẵng cho biết việc lựa chọn tên gọi Đà Nẵng thực hiện đúng nguyên tắc quy định về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Việc giữ tên gọi Đà Nẵng sẽ khẳng định rõ hơn vị thế, tầm vóc và vai trò hạt nhân phát triển của thành phố, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục thu hút đầu tư, nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Đà Nẵng hiện là một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương, có thương hiệu mạnh mẽ, nổi bật với hình ảnh đô thị năng động, hiện đại, văn minh, được xem là đầu tàu phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Thành phố đã xây dựng thành công thương hiệu du lịch quốc gia, sở hữu nhiều điểm đến nổi tiếng như bãi biển Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, cầu Rồng, cùng hệ thống di sản văn hóa như Thành cổ Đà Nẵng, chùa Linh Ứng.

Việc chọn tên Đà Nẵng cho tỉnh mới sẽ hỗ trợ khai thác tối đa tiềm năng du lịch, dịch vụ, đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

Đồng thời, việc giữ nguyên một trong hai tên gọi vốn có trước khi sáp nhập (Đà Nẵng hoặc Quảng Nam) còn giúp giảm thiểu tác động phát sinh liên quan đến chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp.

Hơn 99% cử tri tán thành hợp nhất

Về trung tâm hành chính - chính trị sau hợp nhất, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục duy trì tại quận Hải Châu. Đà Nẵng từng là trung tâm hành chính - chính trị sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, khi Quốc hội khóa V ra quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lấy Đà Nẵng làm trung tâm điều hành.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, gồm cảng biển quốc tế Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng, ga đường sắt Bắc - Nam và mạng lưới đường bộ lớn, giúp kết nối thuận tiện với các tỉnh thành và quốc tế. Thành phố cũng là đô thị loại I, nằm ở vị trí chiến lược của miền Trung, thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh.

Vì sao chọn Đà Nẵng làm tên gọi sau hợp nhất với Quảng Nam?- Ảnh 2.

Việc chọn tên Đà Nẵng cho tỉnh mới sẽ hỗ trợ khai thác tối đa tiềm năng du lịch, dịch vụ, đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

Định hướng quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh và bền vững, có vai trò trung tâm kết nối khu vực và quốc tế.

Việc lựa chọn thành phố Đà Nẵng làm trung tâm hành chính - chính trị không chỉ kế thừa lịch sử, tối ưu hóa hạ tầng hiện có mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Đáng lưu ý, theo báo cáo tổng hợp, tại thành phố Đà Nẵng, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 224.259 người. Trong đó, 223.000 người tham gia lấy ý kiến, đạt 99,44%. Kết quả, 222.482 người đồng ý với phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, đạt tỷ lệ 99,77%. 

Đà Nẵng mới sau hợp nhất sẽ rộng gấp 10 lần, dân số vượt 3 triệu ngườiĐà Nẵng mới sau hợp nhất sẽ rộng gấp 10 lần, dân số vượt 3 triệu ngườiĐỌC NGAY

Tại tỉnh Quảng Nam, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 428.270 người. Trong đó, 424.060 người tham gia lấy ý kiến, đạt 99,02%. Số cử tri tán thành việc hợp nhất đạt 421.940 người, tương đương 98,52%.

Từ kết quả lấy ý kiến, HĐND thành phố Đà Nẵng khẳng định phương án hợp nhất hai địa phương được đa số cử tri đồng tình ủng hộ, phù hợp với chủ trương chung về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.