Vingroup được chấp thuận lập đề xuất dự án metro đi Cần Giờ

Dự án tuyến đường sắt kết nối từ quận 7 đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ dài khoảng 48,7 km sẽ do Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất.

Vingroup được giao lập đề xuất dự án đường sắt đi Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Danh.

UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt đô thị kết nối khu vực trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Vingroup chịu trách nhiệm tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách thành phố và phải đảm bảo yêu cầu chất lượng, nội dung, thành phần theo quy định. Trường hợp hồ sơ đề xuất không được chấp thuận, nhà đầu tư chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.

TP.HCM cũng yêu cầu Vingroup hoàn thành hồ sơ đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền trong vòng 12 tháng kể từ ngày thành phố ban hành văn bản chấp thuận. Quá thời hạn, văn bản chấp thuận hết hiệu lực thi hành.

Theo UBND TP.HCM, việc chấp thuận nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất không ràng buộc điều kiện chỉ định Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Sau khi hoàn thành thủ tục về chủ trương đầu tư, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ có chiều dài khoảng 48,7 km. Dự án bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man, quận 7) đến đường Nguyễn Lương Bằng, đường Rừng Sác và điểm cuối nằm tại khu đất 39 ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Trước đó, Vingroup đã có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM, báo cáo đề xuất liên quan đến việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối quận 7 với huyện Cần Giờ.

Trong đó, tập đoàn đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuyến đường sắt sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế tối đa là 250 km/h, với 2 ga chính dự kiến đặt tại Cần Giờ và quận 7.

Theo tập đoàn, tuyến đường sắt này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, Vingroup mong muốn được TP.HCM xem xét và sớm chấp thuận để triển khai dự án.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định với các dự án hạ tầng lớn, bao gồm đường sắt đi Cần Giờ, vấn đề vốn không khó với Vingroup. Vị tỷ phú tự tin có thể đáp ứng đầy đủ vốn triển khai dự án theo đúng kế hoạch.

Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển tại TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Tại đây, hôm 19/4 vừa qua, Vingroup đã khởi công Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (tên thương mại Vinhomes Green Paradise) với quy mô gần 2.900 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

metro di can gio,  vingroup lam metro,  du an can gio anh 1

Hướng tuyến metro từ quận 7 đi Cần Giờ theo đề xuất của Vingroup. Đồ họa: Quỳnh Danh.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.