Vingroup muốn tự chi tiền nghiên cứu metro từ TP.HCM đến Cần Giờ

Sở GTVT vừa phản hồi Vingroup về đề xuất phương án đầu tư tuyến metro kết nối trung tâm TP.HCM đi huyện Cần Giờ. Đáng chú ý, Vingroup muốn tự chi toàn bộ chi phí nghiên cứu dự án.

Việc di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ hiện nay chủ yếu qua phà và tốn khá nhiều thời gian. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM mới đây đã tổ chức cuộc họp với sở, ban, ngành liên quan về đề xuất làm tuyến tàu điện ngầm đi Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC).

Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Vingroup đã báo cáo sơ bộ về phương án đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP với huyện Cần Giờ.

Sau cuộc họp, ghi nhận thêm ý kiến của các đơn vị khác, tập đoàn của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng thống nhất sẽ có văn bản gửi Sở GTVT để xác định rõ nội dung đề xuất nghiên cứu dự án (bao gồm phương án kỹ thuật, đối tượng phạm vi nghiên cứu, hình thức đầu tư dự án, nguồn kinh phí nghiên cứu, quyền và trách nhiệm các bên liên quan...).

Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM xem xét chấp thuận các thủ tục thực hiện dự án.

Đáng chú ý, trước đó, trong văn bản đề xuất UBND TP.HCM, Vingroup cho biết TP.HCM đang tiến hành các thủ tục liên quan việc lập, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Trong phương án quy hoạch giao thông tại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, UBND TP giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm đi huyện Cần Giờ theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng và Thành ủy TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang lên kế hoạch xây dựng cầu Cần Giờ với mục tiêu khởi công vào dịp 30/4 và hoàn thành vào năm 2028.

Khi hoàn thành, công trình sẽ thay thế phà Bình Khánh, hiện là phương tiện duy nhất kết nối huyện Cần Giờ với khu vực trung tâm. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các dự án khu lấn biển và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

"Tập đoàn Vingroup nhận thấy việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP với huyện Cần Giờ theo chủ trương của TP.HCM là hoàn toàn phù hợp với xu hướng, nhu cầu phát triển giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển và đảm bảo sự kết nối giữa trung tâm TP với huyện Cần Giờ - một trung tâm phát triển mới của TP.HCM", văn bản nêu rõ.

Đồng thời, Vingroup cho rằng việc kết hợp giữa đầu tư tuyến đường sắt đô thị với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ sẽ đảm bảo sự đồng bộ giữa hệ thống kỹ thuật, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư xây dựng hai công trình.

Do đó, Vingroup đề nghị UBND TP.HCM cho phép được nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, trên cơ sở kết hợp với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để đảm bảo sự kết nối, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu tư. Đặc biệt, phía Vingroup sẽ tự lo các chi phí này.

Vingroup cũng đề nghị TP.HCM tạo điều kiện được phối hợp với Sở GTVT TP.HCM và đơn vị tư vấn đang triển khai dự án cầu Cần Giờ để nghiên cứu, khảo sát, tìm phương án phù hợp về kỹ thuật, hiệu quả về đầu tư để kết hợp hạng mục đường sắt đô thị với hạng mục cầu Cần Giờ.

Trên cơ sở chấp thuận chủ trương, Vingroup sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của TP.HCM và các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm để sớm hoàn thành công tác nghiên cứu, lập, đề xuất phương án khả thi, hiệu quả, trình UBND TP.HCM xem xét trong thời gian sớm nhất.

Tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 hôm 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tham gia xây dựng tuyến đường sắt nối trung tâm TP.HCM với huyện đảo Cần Giờ.

Danh mục hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM được Thủ tướng thông qua đã bổ sung 2 tuyến mới, nâng tổng số lên 12 tuyến thay vì 10 tuyến như quy hoạch trước đây. Trong đó, tuyến số 11 đóng vai trò kết nối quận Bình Tân với huyện Củ Chi và tuyến 12 kết nối quận 7 với huyện đảo Cần Giờ.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.