VN-Index biến động như 'tàu lượn'

Mở cửa tăng 65 điểm nhưng áp lực từ phe bán nhanh chóng khiến VN-Index thu hẹp đà tăng xuống dưới 20 điểm. Tuy vậy, phe mua vẫn chực chờ cơ hội kéo chỉ số.

Bảng điện tử bắt đầu phân hóa khi số lượng mã giảm cân bằng với mã tăng. Ảnh: Nam Khánh.

Nối tiếp động lực từ phiên hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên ATO ngày 11/4 với số lượng mã tăng giá áp đảo trên bảng điện tử, chỉ số VN-Index có thời điểm tăng hơn 65 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán ra bắt đầu lấy lại quyền kiểm soát và thu hẹp khoảng cách giữa chỉ số và mốc tham chiếu. Đáng chú ý, một số mã dẫn đầu về vốn hóa đã xuất hiện tình trạng giảm trở lại.

Hiện tại, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng gần 30 điểm, tương đương 2,5% so với phiên liền trước, dao động quanh mức 1.197 điểm. Mốc 1.200 điểm một lần nữa trở thành ngưỡng tâm lý quan trọng với các nhà đầu tư Việt Nam khi chỉ số chứng khoán lớn nhất trong nước liên tục biến động quanh vùng này.

chung khoan hom nay anh 1

Chỉ số VN-Index mở cửa phiên ATO tăng 65 điểm rồi nhanh chóng thu hẹp xuống còn 13 điểm, trước khi tăng trở lại dao động quanh mốc 1.200 điểm. Ảnh: Tradingview.

Lúc gần 10h, VN-Index chỉ tăng 13 điểm (+1,1%) và dao động quanh mốc 1.181 điểm. Trên sàn Hà Nội, trong khi HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,4%) lên mốc 209 điểm thì UPCoM-Index ngược dòng giảm 0,48 điểm (-0,5%) xuống 92 điểm.

Thanh khoản trên cả 3 sàn tăng vọt so với hôm qua lên 13.000 tỷ đồng, phần nào cho thấy sức ép mà nguồn cung gây ra.

Bảng điện tử bắt đầu có dấu hiệu phân hóa với gần 392 mã tăng (gồm 21 mã tăng trần), 948 mã giữ tham chiếu và 270 mã giảm (gồm 30 mã giảm sàn).

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm, trong đó có 2 mã giảm kịch biên độ là GVR và BCM. Chỉ số đại diện rổ vì thế không thể bứt phá mạnh và chỉ tăng 18 điểm.

Thực tế, tại một số thị trường lớn như Mỹ, tâm lý phấn khích nhất thời trước tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump đã nhanh chóng bị thay thế bởi thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 1.014,8 điểm (-2,5%), S&P 500 giảm 3,5% còn Nasdaq Composite sụt 4,3%.

Đà giảm của các chỉ số chứng khoán Mỹ bắt đầu tăng tốc sau khi Nhà Trắng xác nhận mức thuế mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ này đã lên tới 145%, cao hơn so với con số 125% công bố trước đó.

chung khoan hom nay anh 2

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu quay đầu giảm. Ảnh: VietstockFinance.

Đối với thị trường trong nước, các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng lớn như VCB (+4%), BID (+2,9%), CTG (+2,4%), TCB (+1,8%), ACB (+3,2%) và MBB (+2,3%), đóng vai trò trụ cột chính cho VN-Index. Bên cạnh đó, còn có các mã HPG (+5,7%), GAS (+4%), VIC (+2%) và MWG (+5,3%).

Ngược lại, nhóm giảm sàn gồm GVR, BCM, VGC, SIP, VTP cùng LPB (-3,5%), SSB (-2,6%), KBC (-6,5%), KDH (-4%) và VRE (-1%) dẫn đầu danh mục cổ phiếu tác động tiêu cực lên chỉ số.

Các cổ phiếu bất động sản gây thất vọng nhất sáng nay. Ngoài các mã kể trên, thị trường còn ghi nhận nhịp điều chỉnh của hàng loạt “đại gia” như DIG (-3,7%), PDR (_4,6%), IDC (-8,7%), NLG (-5%) trong khi HDC và SZC cùng giảm sàn.

Các cổ phiếu may mặc cũng đồng loạt giảm “trắng bên mua”, điển hình có MSH, TCM, GIL.

Sau khi không thể “đua lệnh” hôm qua, khối ngoại tranh thủ bắt đáy hôm nay với quy mô mua ròng 600 tỷ đồng, tập trung tại các bluechip HPG (+244 tỷ đồng), FPT (+167 tỷ đồng), TCB (+154 tỷ đồng), MWG (+100 tỷ đồng).

Riêng một số mã như SSI (-88 tỷ đồng), IDC (-29 tỷ đồng), ACV (-20 tỷ đồng) bị xả mạnh.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.