Lưu Nghi (33 tuổi) là nhân viên hành chính tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. Chồng cô là Từ Chấn (35 tuổi), hiện là kỹ thuật viên sửa chữa thiết bị cơ khí, làm việc theo ca, lương không cao nhưng đều đặn. Hai người kết hôn năm 2017, tính đến nay là vừa tròn 8 năm làm vợ chồng.
Ngay từ khi về chung 1 nhà, cả 2 đã thống nhất “chồng làm, vợ giữ”. Hàng tháng, Từ Chấn đều chuyển khoảng 90% hết tiền lương vào tài khoản của vợ, chỉ giữ lại 10% để lo chi tiêu cá nhân. Các khoản chi trong nhà hay việc tiết kiệm, đầu tư, đều do Lưu Nghi sắp xếp.
Khoảng 2 năm trở lại đây, tổng thu nhập hai vợ chồng dao động khoảng 20.000 NDT/tháng (khoảng 70 triệu đồng), trong đó phần lớn là thu nhập của Lưu Nghi. Khoản tích lũy hiện có của cả hai khoảng 150.000 NDT (khoảng 530 triệu đồng).

Ảnh minh họa
Lưu Nghi kể Từ Chấn thường đùa rằng vợ là sếp, vì muốn làm gì cũng phải xin phép, trình bày rõ lý do mục đích mới được “giải ngân”.
“Tôi nghĩ như vậy là hợp lý nhất, đàn ông cầm tiền dễ sinh hư, tiêu pha khó lường, chỉ có vợ cầm tiền thì mới giữ được” - Cô kể.
Nhưng nào có ngờ, người chồng chịu chuyển khoản cho cô gần hết lương mỗi tháng ấy, lại có một kế hoạch tài chính ngầm mà cô hoàn toàn không biết.
17 cây vàng dưới gầm giường
Tháng trước, trong lúc dọn lại căn phòng cũ của bố mẹ chồng, vốn bỏ trống từ lâu như nhà kho sau khi ông bà qua đời, Lưu Nghi phát hiện ra một chiếc hộp sắt nhỏ dưới gầm giường. Cô tò mò mở ra, bên trong là một túi vải nhỏ, cầm lên thấy nặng trịch.
Lúc mở ra, Lưu Nghi không tin nổi vào mắt mình khi thấy cơ man vàng thỏi, vàng nhẫn. Có chiếc 2 chỉ, có chiếc 5 chỉ. Cô vừa đếm mà vừa run, tổng số vàng trong chiếc túi ấy lên tới 17 cây!

Ảnh minh họa
Lưu Nghi chắc mẩm đây là tài sản mà bố mẹ chồng để lại nhưng chưa kịp nói cho vợ chồng cô biết. Ngay lập tức, cô gọi điện thoại hối Từ Chấn về nhà.
Từ Chấn còn chưa kịp cởi đôi giày, Lưu Nghi đã ôm bọc vàng trên tay, hồ hởi hỏi anh có biết về số vàng mà cha mẹ để lại không. Khoảnh khắc ấy, sắc mặt Từ Chấn bỗng tái mét. Anh ấp úng: “Của anh, vàng của anh, không phải của bố mẹ”.
3 năm trước, khi công ty giảm lương vì dịch bệnh, Từ Chấn quyết định nhận làm thêm ngoài giờ cho một xưởng cơ khí tư nhân. Ban ngày làm chính, buổi tối tranh thủ sửa chữa máy móc, thiết bị hỏng. Có hôm về đến nhà đã gần nửa đêm, anh chỉ nói với vợ là “công ty tăng ca”.
“Anh không dám nói với em vì biết em sẽ lo anh vất vả. Số tiền làm thêm đó, anh không tiêu gì cả, mỗi tháng gom được vài ngàn tệ là mang đi mua vàng. Cứ thế suốt từ 2021 đến giờ. Anh định bao giờ gom đủ vàng để bán đi lấy tiền sửa nhà, thì sẽ nói” - Từ Chấn giải thích.
Tổng thu nhập làm thêm mỗi tháng của Từ Chấn được khoảng 3.000-4.000 NDT (10-14 triệu đồng). Cộng thêm cả tiền thưởng nóng hoặc thưởng cuối năm, Từ Chấn đều trích ra, âm thầm mang đi mua vàng.
Muốn giận cũng không nỡ
Sau một tuần hậm hực, cuối cùng Lưu Nghi cũng chịu làm hòa với chồng. Cô không thể không giận, vì rõ ràng, nếu không nổi hứng dọn nhà, cô sẽ mãi không biết chồng mình có cả một kho vàng cất riêng. Nhưng cô cũng không thể trách chồng, vì 17 cây vàng đó là bằng chứng cho sự vất vả, tích góp của anh.

Ảnh minh họa
Lưu Nghi vốn nghĩ việc cô quản lý toàn bộ tài chính là dấu hiệu của trách nhiệm và tin tưởng. Nhưng sau chuyện này, cô nhận ra có thể chính vì mình giữ hết, nên Từ Chấn ấy mới thấy cần một khoản “ngoài” vòng kiểm soát.
Thấy áy náy với chồng, Lưu Nghi chủ động đề nghị rằng 17 cây vàng đó, cô sẽ không “động” tới, dù sao cũng là mồ hôi, công sức của anh. Tương lai không ai biết trước sẽ thế nào, nhưng lúc này, Lưu Nghi sẽ coi 17 cây vàng đó là tài sản riêng, không phải tài sản chung trong hôn nhân.
Nghe vợ nói vậy, Từ Chấn giật mình: “Không không, anh mua vàng không phải để đề phòng, chúng ta sẽ dùng số vàng này để mua một căn hộ rộng hơn”.
Mặc dù rất tin tưởng vợ và cũng không có nhu cầu giữ toàn bộ 17 cây vàng làm của riêng, nhưng Từ Chấn cũng thừa nhận nhiều lúc anh thấy mất cả tự do lẫn tự tin vì hay phải xin tiền vợ.
Sau cuộc trò chuyện đó, hai người quyết định thay đổi cách quản lý chi tiêu. Thay vì thu 90% lương của chồng, Lưu Nghi chỉ giữ 60% tiền lương chính, 40% còn lại và cả những khoản thu nhập khác của anh, cô để anh toàn quyền chi tiêu, quyết định.
“Tôi mất 8 năm để hiểu và thực sự tin rằng không phải cứ có quỹ đen là xấu. Có người giấu tiền không phải để phản bội vợ con, mà chỉ đơn giản là họ đang âm thầm gánh thêm một phần trách nhiệm với gia đình, theo cách mà họ cho là tốt nhất” - Lưu Nghi viết.
Theo 163