Bác sĩ 101 tuổi chia sẻ 7 bí quyết đáng ngạc nhiên giúp sống lâu và khỏe mạnh: Đừng đổ tại gen!

Rất nhiều người cho rằng sức khỏe và tuổi thọ phụ thuộc vào gen. Điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng!

Khi tuổi già và bệnh tật ập đến, không ít người cho rằng “gen xấu” là nguyên nhân khiến mình không thể sống lâu hay khỏe mạnh. Nhưng Tiến sĩ John Scharffenberg, bác sĩ y tế công cộng 101 tuổi được đào tạo tại Harvard (Mỹ) lại chứng minh điều ngược lại.

Bác sĩ 101 tuổi chia sẻ 7 bí quyết đáng ngạc nhiên giúp sống lâu và khỏe mạnh: Đừng đổ tại gen!- Ảnh 1.

Sinh năm 1923, hiện tại ông vẫn minh mẫn, tự lái xe, chăm vườn và giảng dạy khắp thế giới. Đặc biệt, dù cha mẹ và anh em đều không sống quá 70 tuổi, ông vẫn vượt mốc 100 nhờ những thói quen chủ động và nhất quán. Điều này một lần nữa chứng minh gen chỉ là một trong nhưng yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ. Ngay cả khi có “gen xấu”, bạn vẫn có thể đảo ngược tình thế, sống thọ nhờ nhiều yếu tố khác - đặc biệt là lối sống hàng ngày.

Với trường hợp của Tiến sĩ John Scharffenberg, ông chia sẻ mình có 7 thói quen tưởng đơn giản nhưng lại có sức mạnh thay đổi cuộc đời:

1. Không uống rượu

Scharffenberg từ chối rượu bia, bất chấp một thời gian dài khoa học từng cho rằng “uống vừa phải tốt cho tim”. Nhưng các bằng chứng gần đây, bao gồm cả khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, đã khẳng định: rượu - dù ít - vẫn làm tăng nguy cơ ung thư, suy giảm nhận thức và bệnh gan. Lựa chọn kiên định của ông, một lần nữa, được khoa học xác nhận là sáng suốt.

Bác sĩ 101 tuổi chia sẻ 7 bí quyết đáng ngạc nhiên giúp sống lâu và khỏe mạnh: Đừng đổ tại gen!- Ảnh 2.

2. Vận động bền bỉ suốt đời chứ không chỉ vì giữ dáng

Thay vì tập gym theo trào lưu, Scharffenberg chọn cách lao động chân tay ngoài thiên nhiên. Ông tự tay khai hoang một mảnh đất và trồng hơn 3.000 cây dâu tây. Việc duy trì hoạt động thể chất đều đặn, ở mức vừa phải và kéo dài trong nhiều năm, đã giúp ông kiểm soát cân nặng, duy trì huyết áp và hạn chế thoái hóa khớp. Đây đều là những yếu tố then chốt cho tuổi thọ.

3. Nhịn ăn gián đoạn đơn giản

Không áp dụng một phương pháp nhịn ăn khắt khe nào, ông đơn giản bỏ bữa tối để cho cơ thể nghỉ ngơi lâu hơn. Điều này giúp giảm viêm, cải thiện độ nhạy insulin, hỗ trợ duy trì cân nặng và thúc đẩy cơ chế tự sửa chữa tế bào (autophagy). Việc để hệ tiêu hóa “nghỉ ngơi ban đêm” cũng giúp giấc ngủ sâu hơn, tăng cường quá trình phục hồi cơ thể.

4. Tuyệt đối không hút thuốc

Trong thời đại thuốc lá từng được xem là “sành điệu”, Scharffenberg đã chọn từ chối. Ông không cần tới cảnh báo y tế công khai để biết rằng hút thuốc phá hủy phổi, não, tim và cả hệ miễn dịch. Hành động đi ngược trào lưu này đã bảo vệ ông khỏi nguy cơ mắc ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ - những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay.

5. Ăn chay trường từ năm 20 tuổi

Trong hơn 8 thập kỷ, Scharffenberg theo đuổi chế độ ăn dựa trên thực vật, không dùng thịt hay sản phẩm động vật chế biến sẵn. Ông ưa chuộng xoài, khoai tây, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt - những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và vi chất thiết yếu. Đặc biệt, ông sống tại Loma Linda - một trong 5 “Vùng Xanh” nổi tiếng có tỷ lệ người sống trên 100 tuổi cao nhất thế giới, và yếu tố chung chính là ăn chay trường.

6. Kiểm soát đường một cách khéo léo

Scharffenberg không loại bỏ hoàn toàn đường nhưng kiểm soát bằng cách tránh đường tinh luyện, nước ngọt, bánh kẹo. Ông chọn đường tự nhiên từ trái cây tươi, thỉnh thoảng thay thế món tráng miệng bằng kem điều hoặc các món ngọt thực vật. Nhờ đó, ông duy trì đường huyết ổn định, giảm nguy cơ tiểu đường, gan nhiễm mỡ và bệnh tim mạch, vốn là những kẻ thù thầm lặng của tuổi thọ.

7. Hạn chế chất béo bão hòa

Bác sĩ 101 tuổi chia sẻ 7 bí quyết đáng ngạc nhiên giúp sống lâu và khỏe mạnh: Đừng đổ tại gen!- Ảnh 3.

Chế độ ăn của ông tuân theo khuyến cáo từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, giảm tối đa chất béo bão hòa - vốn có nhiều trong thịt đỏ, bơ, kem và đồ chiên rán. Ông ưu tiên nấu ăn tại nhà, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ăn vừa đủ và chú trọng thực phẩm toàn phần. Cách ăn này giúp giữ mạch máu sạch, giảm cholesterol, ngăn xơ vữa động mạch và đột quỵ.

Nguồn và ảnh: Times of India, Health GVM