Bác sĩ "điểm mặt" loạt bệnh thường gặp trong thời tiết nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm kèm theo mưa phùn, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc.

Bệnh lý da liễu phổ biến mùa nồm ẩm

Những ngày gần đây, các tỉnh miền Bắc đang bước vào giai đoạn thời tiết nồm ẩm kéo dài. Thời tiết này kèm theo mưa phùn, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc, dẫn đến nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Khi chuyển mùa và thời tiết trở nên nồm ẩm, độ ẩm không khí tăng cao, đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, virus và nấm mốc sinh sôi mạnh mẽ. Chia sẻ với Người Đưa Tin, BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, thời tiết ẩm ướt khiến quần áo phơi lâu khô, không khí trong nhà dễ tích tụ vi khuẩn và bụi bẩn, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm mùa.

Video: Bác sĩ nói về bệnh lý da liễu phổ biến mùa nồm ẩm và khuyến cáo phòng tránh.

Bên cạnh đó, thời tiết này còn là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh về da liễu như nấm da, viêm da tiếp xúc dị ứng, rôm sảy, trứng cá và viêm nang lông.

Nấm da: Đây là bệnh thường gặp nhất trong thời tiết nồm ẩm. Khi quần áo không kịp khô nhưng vẫn mặc vào người, độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển, gây ngứa ngáy, khó chịu. BS. Thành khuyến cáo người dân cần sấy khô quần áo trước khi mặc và điều trị sớm khi có dấu hiệu nấm da.

Viêm da tiếp xúc dị ứng: Do da trở nên nhạy cảm hơn trong môi trường ẩm ướt, dễ bị mẩn đỏ, ngứa rát, đặc biệt là ở những người có cơ địa dị ứng. Để phòng tránh, cần giữ da sạch sẽ, khô thoáng và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng.

Rôm sảy ở trẻ em: Tình trạng bít tắc nang lông trong thời tiết nồm ẩm có thể gây ra rôm sảy, khiến trẻ bị ngứa, nổi mụn nước. Cha mẹ nên giữ cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, lau khô da sau khi tắm và tránh để trẻ ra mồ hôi quá nhiều.

Bác sĩ "điểm mặt" loạt bệnh thường gặp trong thời tiết nồm ẩm- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Mụn trứng cá và viêm nang lông: Do tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi hoạt động mạnh trong thời tiết ẩm ướt, da dễ bị tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm và hình thành mụn bọc. Để hạn chế tình trạng này, cần duy trì chế độ chăm sóc da hợp lý, rửa mặt đều đặn 2 lần/ngày và giữ da luôn khô ráo.

Cách phòng tránh bệnh

Bác sĩ Tiến Thành khuyến cáo một số biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong thời điểm nồm ẩm, cụ thể là:

Giữ môi trường sống khô ráo: Nhiều người lầm tưởng rằng mở cửa, bật quạt nhiều sẽ giúp nhà bớt ẩm, nhưng thực tế điều này lại làm không khí ẩm lan rộng hơn. Thay vào đó, nên đóng kín cửa, sử dụng máy hút ẩm hoặc điều hòa để tạo môi trường thông thoáng.

Sấy khô quần áo: Tránh mặc quần áo ẩm để ngăn ngừa bệnh nấm da.

Bác sĩ "điểm mặt" loạt bệnh thường gặp trong thời tiết nồm ẩm- Ảnh 2.

Một số biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong thời điểm nồm ẩm.

Chăm sóc da đúng cách: Duy trì việc dưỡng ẩm nhưng ở mức độ vừa đủ, làm sạch da thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn và viêm nhiễm.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh mạnh "lạ thường", liệu có "đánh bay" nồm ẩm?

Điều trị sớm các bệnh lý về da: Khi có dấu hiệu bệnh ngoài da, cần đi khám và điều trị kịp thời để tránh tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Thời tiết nồm ẩm không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Việc chủ động bảo vệ sức khỏe, duy trì môi trường sống sạch sẽ và có chế độ chăm sóc da hợp lý sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của thời tiết.