Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh một cô bé khoảng 6-7 tuổi ở Trung Quốc thoát hiểm thành công khi bị một “ông lão” khả nghi tiếp cận trong thang máy đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Tình huống chỉ kéo dài vài phút nhưng phản ứng của em được đánh giá là “giáo trình mẫu mực” về tự vệ: né tránh liên tục, dùng ba lô chống trả, tận dụng thời cơ khi cửa thang mở để thoát ra và chạy đến nơi đông người.
Sự việc khiến nhiều phụ huynh không khỏi đặt câu hỏi: “Con mình liệu có làm được như vậy không?”.




Hình ảnh cắt từ video
Nguy hiểm không báo trước, ý thức an toàn không thể xem nhẹ
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng chỉ cần dạy con “đừng nói chuyện với người lạ” là đủ. Nhưng thực tế cho thấy, mối nguy hiểm thường đến từ những người không có vẻ gì là “xấu”. Kẻ khả nghi trong vụ việc mặc chỉnh tề, tóc bạc phơ – hình ảnh điển hình của một “ông lão hiền lành”.
Cô bé có thể thoát hiểm không phải vì may mắn, mà vì em có được ba kỹ năng quan trọng: nhận biết rủi ro, phản ứng kịp thời và sử dụng vật dụng xung quanh để tự vệ – những kỹ năng cần được rèn luyện từ nhỏ.
Trẻ em đơn độc – mục tiêu dễ dàng của kẻ xấu
Nhiều người lầm tưởng chỉ trẻ xinh xắn mới bị để ý. Thực tế, yếu tố then chốt là trẻ có đi một mình hay không. Kẻ xấu thường chọn mục tiêu đơn độc, thiếu cảnh giác và không có người lớn đi kèm.
Những tình huống như đi thang máy một mình, đi học qua đường vắng, hoặc đứng chờ ở góc phố… đều là “điểm mù an toàn” mà phụ huynh cần đặc biệt chú ý.
Dạy trẻ nhận diện nguy hiểm: Không chỉ là “đừng tin người lạ”
Phần lớn trẻ em tin rằng “người xấu” trông đáng sợ như trong hoạt hình. Nhưng thực tế, kẻ xấu có thể nói năng nhẹ nhàng, tỏ vẻ tử tế, dùng đồ chơi hay lời nói ngọt ngào để tiếp cận.
Vì vậy, hãy dạy trẻ rằng: Bất kỳ người lạ nào cố gắng tiếp cận, tiếp xúc, mời gọi hoặc tách trẻ ra khỏi đám đông đều có thể là mối nguy hiểm – bất kể họ trông như thế nào.
Làm sao để trẻ có khả năng tự bảo vệ?
1. Tránh để trẻ một mình ở nơi vắng vẻ, kín đáo: Thang máy, hầm gửi xe, cầu thang, hành lang vắng… là những nơi nguy hiểm nếu trẻ đi một mình. Hạn chế tối đa việc để trẻ rơi vào những tình huống như vậy, hoặc tổ chức cho trẻ đi cùng bạn, có người lớn đưa đón.
2. Trang bị công cụ liên lạc: Đồng hồ điện thoại, thiết bị định vị là phương tiện hỗ trợ quan trọng trong tình huống khẩn cấp. Đây là công cụ an toàn, không phải đồ chơi. Quan trọng là cách phụ huynh hướng dẫn trẻ sử dụng.
3. Rèn luyện phản xạ qua tình huống giả định: Thường xuyên chơi trò “giả lập tình huống nguy hiểm” giúp trẻ hình thành phản xạ: lùi lại khi bị tiếp cận, la lớn, chạy về nơi có người, dùng đồ vật che chắn... Cùng con lập “câu thần chú an toàn” dễ nhớ để áp dụng khi cần.
4. Khuyến khích phản kháng đúng cách: Không nên xem phản kháng là thiếu lễ phép. Khi gặp nguy hiểm, trẻ có quyền chống lại để tự bảo vệ mình. Cha mẹ có thể hướng dẫn con cách dùng ba lô, giả vờ té ngã hoặc tận dụng cơ hội để bỏ chạy.
Trẻ em cần được tin tưởng và bảo vệ
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp trẻ lên tiếng nhưng bị người lớn gạt đi với lý do “nhìn nhầm” hay “đừng ảnh hưởng danh tiếng người khác”. Điều này vô tình khiến trẻ mất lòng tin vào việc cầu cứu.
Hãy để trẻ hiểu rằng: Con có quyền phản kháng, và luôn có người đứng về phía con.
Lời nhắn nhủ từ khoảnh khắc cuối: Đừng để sự chuẩn bị đến quá muộn
Khoảnh khắc cô bé chạy khỏi thang máy, lao về phía có ánh sáng và người đông, không phải là hành động trốn chạy – đó là thông điệp rõ ràng: “Cháu không để kẻ xấu đạt được mục đích”.
Chúng ta – những người làm cha mẹ – không mong con mãi sống trong môi trường vô trùng, mà là khi gặp nguy hiểm, con biết cách bảo vệ bản thân.
Giáo dục an toàn không phải là một buổi dạy đơn lẻ, mà là một hành trình đồng hành dài hạn. Hãy bắt đầu từ hôm nay – đừng để sự lo lắng trở thành điều hối tiếc.