Bộ Công an đề xuất bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành, trong đó có tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo.

Dự kiến, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).

Bộ Công an đề xuất bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà vụ án Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Đáng chú ý, tại tờ trình dự án luật, Bộ Công an cho biết, dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 5 tội danh.

Việc sửa đổi này là theo Đề án "Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù" của Đảng ủy VKSND Tối cao đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến (tại Công văn số 13936 ngày 25/3 của Văn phòng Trung ương Đảng).

5 tội danh gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự hiện hành); tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở 3 tội danh khác, gồm: tội gián điệp (Điều 110), tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354).

" Như vậy, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành ", Bộ Công an nêu rõ.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Công an nhận định, các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập.

Cụ thể, các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế.

Cơ quan soạn thảo nêu dẫn chứng, các tội sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy (tại khoản 4 Điều 248, Điều 250, Điều 251 Bộ luật Hình sự) đều quy định phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu khối lượng ma túy từ 100 gam Heroine, Cocaine, Methamphetamin.. trở lên.

Bộ Công an dẫn quy định Bộ luật Hình sự hiện hành còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.

Đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh… hoặc ít áp dụng như: tội tham ô tài sản, nhận hối lộ…

18 tội bị trừng phạt bằng án tử hình theo Bộ luật Hình sự hiện hành

Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hình phạt tử hình không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Điều luật này cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

18 tội phạm áp dụng hình phạt tử hình theo Bộ luật Hình sự, gồm: tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội giết người; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội khủng bố; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh.