Thời gian gần đây, công tác kiểm tra hậu mại (sau bán) của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và các Sở Y tế phát hiện hàng loạt vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Một số tổ chức bị phát hiện sản xuất tại cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện, công thức sản phẩm không đúng hồ sơ công bố, hoặc tự ý thay đổi nội dung đã đăng ký mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn không lưu giữ hồ sơ thông tin sản phẩm đúng quy định, không xuất trình được khi bị kiểm tra. Tình trạng đáng báo động hơn nằm ở hoạt động mua bán mỹ phẩm trôi nổi, hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố… trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube.
Theo phản ánh từ truyền thông, các sản phẩm này còn bị quảng cáo sai lệch tính năng, công dụng, thậm chí cố tình gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Một số nội dung còn lợi dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế để tăng độ tin cậy.

Hoạt động mua bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện dày đặc trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube. (Ảnh minh hoạ)
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định tại các Nghị định 117, 119, 38 và các văn bản sửa đổi liên quan.
Các hoạt động kiểm tra sẽ tập trung mạnh vào kênh bán hàng online, đặc biệt là mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sản phẩm mỹ phẩm không an toàn, không đạt chất lượng.
Những loại mỹ phẩm có dấu hiệu giả, không rõ nguồn gốc hoặc gây hại cho người tiêu dùng sẽ bị thu hồi, tiêu hủy. Trường hợp có dấu hiệu hình sự như giá trị hàng hóa lớn, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm sẽ được chuyển cơ quan điều tra.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải nghiêm túc tuân thủ quy định về kê khai, cập nhật thông tin sản phẩm.
Chỉ được phép lưu hành sản phẩm sau khi đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Việc sản xuất tại các cơ sở chưa được cấp phép hoặc sai công thức công bố đều bị nghiêm cấm.
Động thái này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn từ mỹ phẩm trôi nổi, đồng thời lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên toàn quốc.