CEO Hòa Phát: Làm ray đường sắt tốc độ cao không chỉ vì danh tiếng

Tập đoàn Hòa Phát tự tin giá thành thép đường ray do doanh nghiệp này sản xuất sẽ rất cạnh tranh. CEO Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh "không bao giờ xác định lỗ mà vẫn đâm đầu làm".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, khi nói về câu chuyện sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Không bao giờ xác định lỗ mà vẫn làm

Trong cuộc họp tháng 9/2024, khi Thủ tướng mời các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế đất nước và giao nhiệm vụ, Tập đoàn Hòa Phát đã nhận lời sản xuất ray đường sắt tốc độ cao và các loại đường ray khác.

Ngay sau đó, Hòa Phát đã có dự án sản xuất ray đường sắt tại Khu liên hợp Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng.

Một số ý kiến cho rằng mục tiêu của tập đoàn không phải doanh thu hay lợi nhuận, mà hơn hết là dấu ấn thương hiệu trong công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng khẳng định HòaPhát chưa xác định lợi nhuận là bao nhiêu. Do đó, nói không quan tâm đến lợi nhuận thì không đúng.

ceo hoa phat anh 1

Hòa Phát tự tin sản xuất được thép ray đường sắt tốc độ cao với giá thành cạnh tranh.

Dựa trên nền tảng đang có, tập đoàn luôn tự tin giá thành thép ray do Hòa Phát sản xuất sẽ rất cạnh tranh. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không bao giờ xác định lỗ mà vẫn đâm đầu vào làm”.

Theo ông, với doanh nghiệp, lợi nhuận vẫn là mục tiêu quan trọng và quyền lợi cổ đông cũng nằm ở đó. Hòa Phát không làm chỉ vì danh tiếng. Đây cũng là lý do trong các dự án đã, đang và sẽ làm, tập đoàn luôn rất thận trọng.

Ở dự án sản xuất ray đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dù chưa biết giá bán là bao nhiêu, tập đoàn tự tin có giá thành tốt và sẽ có lợi nhuận.

Ông Nguyễn Việt Thắng cho hay với cơ chế đặc thù làm đường sắt cao tốc thì sản phẩm cũng đặc thù, chỉ bán cho một khách hàng duy nhất. Có thể hiểu ở đây là độc quyền mua, độc quyền bán nên hai bên sẽ cùng ngồi bàn với nhau về cơ chế giá.

“Nếu Hòa Phát làm được thép ray với giá thành hợp lý, không có lý do gì Chính phủ lại yêu cầu bán lỗ. Ngược lại, nếu giá đưa ra quá cao thì rõ ràng Nhà nước cũng không thể mua với mức đó”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cú hích để xây dựng ngành công nghiệp đường sắt

“Chúng ta sẽ có lợi nhuận”, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát một lần nữa khẳng định. Nhưng điều quan trọng hơn, từ cơ sở sản xuất ray đường sắt tốc độ cao sẽ dần xây dựng một ngành công nghiệp đường sắt cho Việt Nam.

ceo hoa phat anh 2

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát.

"Thông thường, chúng tôi chỉ triển khai những dự án có khả năng đạt hiệu quả tới 90%. Tuy nhiên, với dự án thép ray cho đường sắt tốc độ cao - một lĩnh vực mở ngành - mức hiệu quả 50% cũng đã có thể chấp nhận. Bởi vì đây là hướng đi dài hạn, còn nhiều dư địa phát triển", ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng thừa nhận trước đây khi chưa có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nước ta vẫn có nhu cầu về ray, nhưng phải nhập khẩu 100%. Ông hy vọng sau dự án này, Việt Nam còn nhiều dự án đường sắt khác. Khi đó, thay vì nhập khẩu, nước ta có thể tự chủ hoàn toàn.

Dẫn số liệu của Bộ Xây dựng, ông Thắng cho biết từ nay đến năm 2035, Việt Nam có thể cần khoảng 1,7 triệu tấn thép ray. Trong khi đó, nhà máy của Hòa Phát có công suất 700.000 tấn/năm, với khả năng dành riêng khoảng 150.000 tấn cho thép ray. Tính toán cho thấy 10 năm có thể sản xuất được 1,5 triệu tấn, tương ứng với nhu cầu dự báo.

“Các nhà máy thép trên thế giới cũng chỉ sản xuất ray chiếm 15-20% tổng sản lượng. Với công suất như hiện tại, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu nội địa”.

Đặc biệt, việc đầu tư nhà máy sản xuất ray đường sắt tốc độ cao sẽ giúp Hòa Phát làm chủ công nghệ và sở hữu nhà máy thép ray đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD không chỉ tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp, mà còn là cú hích, điểm tựa để chúng tôi quyết tâm đầu tư sản xuất", ông Thắng nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm đây sẽ là nền tảng để tập đoàn mở rộng sang các dự án khác trong tương lai, bởi không chỉ có dự án đường sắt 67 tỷ USD, mà quy mô có thể lên tới 100 tỷ USD. Ngoài thép ray cho đường sắt tốc độ cao, còn có nhu cầu lớn về ray cho các tuyến Metro Hà Nội, Metro TP.HCM, ray cho cầu cảng, cầu trục và nhiều lĩnh vực hạ tầng khác.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành.

Tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.