Chính quyền ông Trump muốn thực hiện kế hoạch '3-3-3'

Dù được đánh giá là đầy tham vọng và mang nhiều kỳ vọng, kế hoạch kinh tế của chính quyền ông Trump sẽ phải đối mặt với những thực tế phức tạp về tài chính và thị trường.

Kế hoạch kinh tế 3-3-3 của Bộ trưởng Tài chính được ông Trump đề cử đầy tham vọng nhưng cũng nhiều thách thức. Ảnh: New York Post.

Ông Scott Bessent - người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng Tài chính đã trình bày kế hoạch “3-3-3” tại một sự kiện của Viện Manhattan, nhấn mạnh mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2028, thúc đẩy tăng trưởng lên 3%, cùng với tăng sản lượng năng lượng Mỹ tương đương thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Kế hoạch này được lấy cảm hứng từ chiến lược “ba mũi tên” của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bao gồm chính sách tiền tệ mạnh mẽ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát dai dẳng.

Giảm thâm hụt ngân sách

AP cho biết Scott Bessent là một người ủng hộ mạnh mẽ việc giảm thâm hụt ngân sách, điều mà ông coi là “vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Mỹ”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Bessent đã kêu gọi một chương trình giảm thâm hụt toàn diện, kết hợp với việc gia hạn các điều khoản của Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017.

Ngoài ra, ông Bessent cũng kêu gọi kiểm soát chi tiêu chính phủ, bao gồm việc giảm chi phí từ Thỏa thuận Xanh Mới, có thể tiết kiệm 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới và đóng băng những chi tiêu không bắt buộc (trừ quốc phòng), theo Fox Business.

Bessent cảnh báo mức thâm hụt cao hiện tại có thể gây rủi ro cho quốc phòng quốc gia vì làm giảm khả năng tăng chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng hoặc chiến tranh.

kinh te My anh 1

Ông Bessent coi thâm hụt ngân sách là vấn đề lớn nhất của nước Mỹ và có thể là rủi ro cho nền quốc phòng. Ảnh: Reuters.

Bessent cũng thừa nhận chi tiêu bắt buộc, đặc biệt là các chương trình An sinh Xã hội và Medicare là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông cho rằng trong 4 năm tới, chính quyền ông Trump nên tập trung vào kiềm chế chi tiêu không bắt buộc - một phần nhỏ hơn trong ngân sách liên bang - để tạo đà cho các chính quyền tương lai xử lý các chương trình chi tiêu lớn.

Wall Street Journal phân tích mục tiêu của ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent giảm thâm hụt ngân sách liên bang xuống còn 3% GDP vào năm 2028 là một nguyện vọng hợp lý nhưng việc đạt được mục tiêu này sẽ rất khó khăn.

Ông Bessent không thể kỳ vọng vào nền kinh tế để giải quyết vấn đề thâm hụt. Theo Ủy ban Trách nhiệm Ngân sách Liên bang, các đề xuất trong chiến dịch tranh cử của ông Trump như các khoản cắt giảm thuế và tăng chi tiêu ước tính tiêu tốn khoảng 10.000 tỷ USD, vượt xa mức tiết kiệm 4.000 tỷ USD từ thuế quan và cắt giảm chi tiêu.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thâm hụt sẽ là 6% GDP vào năm 2028. Các chính sách của Tổng thống đắc cử Trump thậm chí có thể đẩy con số này lên 8%.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để nâng tốc độ tăng trưởng từ 1,8% lên 3%, ông Scott Bessent đặt niềm tin thông qua việc bãi bỏ quy định, sản xuất nhiều năng lượng hơn ở Mỹ, giảm lạm phát và hướng đến sự tự tin cho mọi người để đầu tư, từ đó đưa khu vực tư nhân tiếp quản phần chi tiêu khổng lồ của chính phủ cắt giảm.

Bessent nói thêm rằng việc thúc đẩy sản xuất năng lượng sẽ giúp giảm kỳ vọng về lạm phát trong tương lai, vì giá năng lượng và xăng là yếu tố chính trong ngân sách hộ gia đình được phản ánh trong các phép đo lạm phát.

Việc thay thế 5-10% giáo viên yếu kém bằng những người đạt mức trung bình cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ thêm 0,8%/năm. Điều này chứng tỏ cải thiện chất lượng giáo viên cũng có thể đóng góp gần một nửa mức tăng trưởng cần thiết để đạt mục tiêu 3%.

Một yếu tố quan trọng khác để thúc đẩy tăng trưởng là trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ AI tạo sinh, được coi là một công nghệ nền tảng quan trọng, có thể mang lại cơ hội quay lại tốc độ tăng trưởng 3%.

Song, kế hoạch này không phải không gặp những thách thức. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), trong thập niên 1970, tăng trưởng lực lượng lao động đóng góp 2,7 điểm % vào tăng trưởng GDP Mỹ.

Tuy nhiên, đến nay, con số này được dự báo chỉ còn khoảng 0,5 điểm % đến năm 2025, chủ yếu do thế hệ “baby boomer” nghỉ hưu và tỷ lệ sinh giảm. Đây là một xu hướng chung ở các nền kinh tế phát triển, hạn chế tiềm năng tăng trưởng của Mỹ nếu không được bù đắp bằng tốc độ tăng năng suất nhanh hơn.

Báo cáo của đội ngũ kinh tế JPMorgan trong triển vọng kinh tế năm 2025 cho thấy rõ những khó khăn này. Họ nhận định cả nguồn cung lao động và năng suất - hai yếu tố cung ứng chính của nền kinh tế Mỹ - đã hoạt động tốt gần đây, góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP 2,3% kể từ quý IV/2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này khó duy trì lâu dài.

Sự bùng nổ sau đại dịch trong tái cơ cấu lao động và doanh nghiệp - yếu tố thúc đẩy năng suất - đang dần biến mất. Dự kiến các thay đổi chính sách nhập cư sẽ làm chậm tăng trưởng lực lượng lao động khoảng 100.000 người/tháng. JPMorgan cũng cảnh báo về “rủi ro suy giảm từ thuế quan và bất ổn chính sách”.

Cả Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đều dự báo tăng trưởng dài hạn của Mỹ chỉ đạt 1,8%, dựa trên năng suất hiện tại và những thách thức nhân khẩu học làm giảm tốc độ tăng việc làm, theo Wall Street Journal.

Tăng sản lượng dầu khí

Kế hoạch tăng sản lượng dầu khí được cho là phần khả thi nhất trong chiến lược này. Chính quyền ông Trump dự kiến mở rộng khai thác dầu trên đất liên bang và các vùng biển, đồng thời phê duyệt thêm các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

kinh te My anh 2

Các máy bơm hoạt động trước giàn khoan ở mỏ dầu Midland, Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Ông Trump muốn thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia để giảm bớt thủ tục hành chính, từ việc cấp phép đến phân phối. Ngoài ra, ông cũng đề xuất loại bỏ các chính sách và trợ cấp xanh từ thời Tổng thống Joe Biden, nhằm thúc đẩy việc “thống trị năng lượng toàn cầu”.

The Economist, việc chiếm ưu thế về dầu khí có thể hỗ trợ nhiều mục tiêu khác của ông Trump: xuất khẩu tăng giúp giảm thâm hụt thương mại, doanh thu thuế cao giúp củng cố ngân sách và sản lượng dầu lớn hơn cho phép Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn lên Iran mà không làm giá xăng tăng. Hơn nữa, khí đốt từ Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng từ công nghệ AI và giảm phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn khác.

Tuy nhiên, thực tế thị trường năng lượng có thể khiến kế hoạch này gặp nhiều khó khăn. Khác với các quốc gia xuất khẩu dầu lớn, nơi các công ty nhà nước kiểm soát sản lượng, dầu Mỹ do các công ty tư nhân quyết định khai thác. Từ khi châu Âu ngừng nhập dầu Nga năm 2022, sản lượng dầu Mỹ đã tăng kỷ lục, đạt 13,5 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2023. Nhưng để tăng thêm sản lượng, các công ty dầu khí cần lý do thuyết phục hơn.

Nhiều công ty lớn trong ngành dầu đá phiến, vốn chiếm phần lớn sản lượng dầu Mỹ, nay tập trung vào lợi nhuận ổn định thay vì mạo hiểm khai thác. Thêm vào đó, các chi phí sản xuất tăng cao, trong khi các giếng dầu tốt nhất đang dần cạn kiệt.

Theo Cục Dự trữ Liên bang Kansas, giá dầu cần đạt ít nhất 89 USD/thùng mới có thể khuyến khích các công ty này mở rộng khai thác. Tuy nhiên, hiện giá dầu thô WTI hiện chỉ quanh mức 70 USD/thùng, cách xa ngưỡng cần thiết.

Trong lĩnh vực khí tự nhiên, Mỹ đã mở rộng đáng kể khả năng xuất khẩu LNG kể từ khi bùng nổ căng thẳng tại Ukraine. Dù vậy, để Mỹ có thể đạt được mức tăng 22,4 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2030 như Rystad Energy dự báo, giá khí tự nhiên phải vượt mức 4,24 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mbtu), trong khi dự báo chỉ đạt khoảng 3,33 USD/mbtu trong hai năm tới.

Một số chính sách khác của ông Trump có thể phản tác dụng. Thuế quan lên nguyên liệu như nhôm, thép sẽ làm tăng chi phí cho các công ty dầu khí, trong khi các quốc gia khác có thể đáp trả bằng thuế lên xuất khẩu năng lượng Mỹ. Các cuộc chiến thương mại cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu năng lượng.

Bob McNally, cựu cố vấn của Tổng thống George W. Bush, nhận định: “Việc Mỹ khai thác dầu khí trong những năm tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các quyết định ở Vienna (nơi OPEC họp) hơn là ở Washington”. Tham vọng trở thành “ông vua dầu mỏ” của ông Trump có nguy cơ trở thành giấc mơ xa vời.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.