Chủ tịch EuroCham: Tinh gọn bộ máy là tiền đề thu hút vốn FDI

Dù kinh tế phát triển tích cực trước các biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn cần tinh gọn bộ máy hành chính để thu hút FDI, qua đó khẳng định vị thế là trung tâm đầu tư của Đông Nam Á.

Việt Nam vẫn là trung tâm đầu tư hàng đầu khu vực. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) tăng vọt trong quý IV/2024, phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư châu Âu và khả năng phục hồi ấn tượng của kinh tế Việt Nam giữa biến động toàn cầu.

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, nhấn mạnh cải cách hành chính là yếu tố cốt lõi giúp tháo gỡ các rào cản đầu tư, đồng thời tạo động lực cho dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Trung tâm đầu tư của khu vực

Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) tại Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, đã tăng vọt lên 61,8 điểm trong quý IV/2024, so với mức 46,3 điểm cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2022, đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau 2 năm chỉ số này chủ yếu dao động quanh ngưỡng trung lập 50, thậm chí có thời điểm giảm xuống dưới mức này.

Theo kết quả khảo sát, 42% nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam cảm thấy lạc quan về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi gần 50% dự báo điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện trong quý tiếp theo. Đặc biệt, gần 60% doanh nghiệp kỳ vọng triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khởi sắc trong quý I/2025.

"Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam", ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhận định.

Ông nhấn mạnh dấu hiệu tích cực này phản ánh sự công nhận đối với những nỗ lực chuyển đổi chính trị và kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với GDP tăng trưởng ổn định, Việt Nam đang khẳng định vị thế là mắt xích quan trọng trong mạng lưới thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á.

Sự gia tăng niềm tin kinh doanh được cho là nhờ vào các cải cách kinh tế liên tục và vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò của "chuyển đổi kép" - gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - như yếu tố then chốt cho những đánh giá tích cực.

Các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt các xu hướng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có một số công ty thậm chí đạt mức tăng trưởng doanh thu lên đến 40% so với năm trước.

Đáng chú ý, 75% lãnh đạo khảo sát sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đầu tư lý tưởng. Con số này nhấn mạnh vị thế chiến lược ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện, Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút đối với các doanh nghiệp châu Âu mong muốn mở rộng hoạt động tại khu vực.

Tinh gọn bộ máy hành chính là chìa khóa gỡ nút thắt đầu tư

Dù có nhiều tín hiệu lạc quan trong thu hút đầu tư, nhiều thách vẫn tồn đọng.

Báo cáo từ EuroCham cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đang thận trọng trong việc mở rộng ra các khu vực ngoài đô thị, do lo ngại về cơ sở hạ tầng hạn chế và khả năng kết nối.

Theo khảo sát, 3 rào cản chính bao gồm: Quy trình xin giấy phép phức tạp, gánh nặng hành chính và hệ thống thuế chưa đồng bộ. Đặc biệt, vấn đề liên quan đến visa cho chuyên gia nước ngoài là trở ngại hàng đầu, với 42% doanh nghiệp đánh giá đây là thách thức quan trọng nhất.

"Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng", ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham nhận xét. "Những khó khăn hành chính kéo dài đang thử thách doanh nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan trước quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh", vị này bổ sung.

Nhằm gỡ bỏ rào cản này, Chính phủ đã có động thái mạnh mẽ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải cách bộ máy hành chính vào tháng 11/2024. Nỗ lực này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả và giảm bớt gánh nặng thủ tục, đặc biệt thông qua chuyển đổi số.

FDI anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn, sắp xếp bộ máy hành chính hiệu quả. Ảnh: VGP.

Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng lạc quan về triển vọng dài hạn, với nhiều kế hoạch mở rộng và đầu tư vào các chiến lược mới.

Chủ tịch EuroCham tin rằng Việt Nam sắp bước vào thời kỳ hoàng kim. "Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ tuy phức tạp nhưng là tiền đề cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu hút FDI và khẳng định vị thế đất nước. Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng", ông khẳng định.

Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng khác được kỳ vọng thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam. Các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành, và cảng nước sâu Hải Phòng không chỉ cải thiện khả năng kết nối mà còn nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong ngành logistics.

Với chính sách phù hợp, cơ sở hạ tầng được nâng cấp và những cải cách hành chính hiệu quả, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.