Chứng khoán giảm mạnh nhất lịch sử, có nên bắt đáy lúc này?

Giữa cơn bán tháo lịch sử khiến VN-Index “bốc hơi” hàng chục tỷ USD, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư giữ bình tĩnh, tránh hành động theo cảm xúc.

Chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến đợt lao dốc mạnh nhất lịch sử. Ảnh: Nam Khánh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch “đáng quên”. Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa xuất khẩu của 180 đối tác thương mại, bao gồm cả Việt Nam, thị trường chứng khoán trong nước nhanh chóng phản ứng và lao dốc “không phanh”.

Giữa cơn bán tháo hoảng loạn, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (3/4) giảm 87,99 điểm (-6,68 điểm) và lùi về mốc 1.229,84 điểm. Đây cũng là mức giảm lớn nhất mà VN-Index ghi nhận trong lịch sử giao dịch, qua đó “thổi bay” 370.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường (khoảng 14 tỷ USD).

Trong phiên giao dịch đang diễn ra 4/4, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm sâu, có thời điểm mất hơn 70 điểm. Hiện tại, chỉ số chứng khoán lớn nhất trong nước đang giao dịch quanh vùng 1.180 điểm, tương đương mức giảm gần 50 điểm, gần 4%, so với phiên liền trước.

Theo nhóm chuyên gia phân tích từ New World Group, nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh, không nên phản ứng thái quá trước những biến động ngắn hạn của thị trường. Việc hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu có thể khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại kép, vừa lỗ vốn vừa bỏ lỡ cơ hội hồi phục sau đó.

Nhà đầu tư cần làm gì?

Trao đổi với Tri Thức - Znews, chuyên gia phân tích Trần Đình Minh từ New World Group khuyến nghị nhà nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên đánh giá lại danh mục và tránh bán tháo theo tâm lý đám đông. Nếu nắm giữ cổ phiếu của các ngành chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan như dệt may, thủy sản, gỗ, nhà đầu tư có thể cân nhắc cắt lỗ hoặc giảm tỷ trọng để bảo toàn vốn.

Ngược lại, nếu danh mục có cổ phiếu ngành phòng thủ như tiêu dùng thiết yếu, y tế thì có thể giữ và chờ thị trường ổn định. Song, nếu cổ phiếu vi phạm điểm cắt lỗ thì vẫn phải cắt.

Đối với nhóm nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu, nên chờ tín hiệu phục hồi trước khi ra quyết định “bắt đáy”, ví dụ như VN-Index tạo đáy kỹ thuật, Chính phủ công bố biện pháp hỗ trợ hay ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính vững, ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Phát cho rằng nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu cần phân loại danh mục và hành động một cách tỉnh táo.

bat day chung khoan,  chung khoan giam manh anh 1

Nhà đầu tư nên chờ tín hiệu phục hồi trước khi ra quyết định “bắt đáy”. Ảnh: Nam Khánh.

“Với nhóm cổ phiếu thuộc ngành xuất khẩu - vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan mới của Mỹ - nhà đầu tư nên chờ những nhịp hồi kỹ thuật lên vùng 1.250-1.260 điểm (gần MA 200) để cơ cấu lại danh mục một cách hợp lý”, ông nói.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công, bất động sản... vị chuyên gia khuyên không nên bán tháo. Đây là những nhóm ngành đang nằm trong trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng khi mục tiêu GDP năm nay được xác định ở mức 8%. Dòng vốn, cả trong và ngoài nước, vẫn sẽ ưu tiên rót vào đây.

Riêng với nhà đầu tư đang “full hàng” và dòng đòn bảy (margin), ông đề nghị cắt toàn bộ phần đòn bẩy, đưa danh mục về mức an toàn, duy trì tỷ trọng khoảng 30-50% cổ phiếu. Phần còn lại nên là tiền mặt để sẵn sàng bắt đáy.

“Nhưng bắt đáy cũng cần có kỹ năng. Chỉ khi thị trường có phiên thanh khoản lớn và dòng tiền lan tỏa rõ rệt trên diện rộng thì lúc đó mới nên ra tay”, chuyên gia này chia sẻ.

Kỳ vọng “giông tố” sớm qua

Phiên giao dịch tiêu cực đã khiến VN-Index "bốc hơi" toàn bộ thành quả tích lũy từ đầu năm, kéo theo tâm lý hoang mang trên diện rộng. Dù vậy, theo một số chuyên gia, cú sập này không hoàn toàn tiêu cực nếu nhìn xa hơn một nhịp.

Chuyên gia Phạm Trần Đức Thắng cho rằng phiên giảm mạnh hôm nay không phải là tín hiệu quá tiêu cực như nhiều nhà đầu tư lo ngại.

“Thị trường đã giảm bớt rủi ro biến động mà chúng tôi kỳ vọng bấy lâu. Đây là một bước điều chỉnh cần thiết, giúp tránh các cú sốc lớn về sau và tạo tiền đề cho một xu hướng bền vững hơn trong giai đoạn tới”, ông Thắng chia sẻ.

Ở góc nhìn khác,ông Nguyễn Tấn Phát gọi đây là cột mốc lịch sử khi VN-Index, VN30 và cả các chỉ số hợp đồng tương lai đều giảm kịch biên độ.

Bức tranh tươi đẹp của quý I đã bị Tổng thống Trump lấy mất bằng chính sách áp thuế có phần cực đoan với Việt Nam

Ông Nguyễn Tấn Phát, chuyên gia phân tích từ New World Group

“Bức tranh tươi đẹp của quý I đã bị Tổng thống Trump lấy mất bằng chính sách áp thuế có phần cực đoan với Việt Nam”, ông Phát nhận định.

Dù vậy, vị này vẫn giữ kỳ vọng vào kịch bản "tiền hung, hậu cát", khi cho rằng 6 tháng đầu năm là thời điểm xử lý những vấn đề khó khăn như thuế quan, tỷ giá, lãi suất, còn 6 tháng cuối năm có thể hưởng lợi từ việc nâng hạng thị trường và chính sách nới lỏng.

Nếu mục tiêu tăng trưởng 8% GDP được giữ nguyên, ông Phát cho rằng nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng vào những cú hích chính sách vào cuối năm. Quý II giảm sâu có thể là cơ hội để chọn lọc cổ phiếu tốt, đón sóng hồi phục.

Trong khi đó, ông Trần Đình Minh tỏ ra thận trọng hơn. Theo ông, phiên giảm sâu không chỉ khiến thị trường mất điểm mà còn để lại 3 hậu quả nghiêm trọng: “Một là làm suy giảm niềm tin nhà đầu tư, từ đó khiến thanh khoản tiếp tục lao dốc. Hai là khối ngoại sẽ gia tăng rút vốn, bằng chứng là hôm nay đã bán ròng kỷ lục gần 3.700 tỷ đồng. Ba là lan tỏa tâm lý tiêu cực lên toàn thị trường, đặc biệt khi các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề”.

Thêm vào đó, việc VN-Index rơi khỏi toàn bộ vùng tích lũy từ đầu năm sẽ khiến kỳ vọng lên các mốc 1.400-1.500 điểm trở nên xa vời. Không những vậy, điều này còn làm lung lay mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025. Nếu chỉ quanh quẩn vùng 1.000-1.300 điểm thì rất khó đáp ứng tiêu chí về vốn hóa và thanh khoản của các tổ chức như MSCI.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.