Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam chia sẻ về 5 loại rau phổ biến, gần gũi nhưng mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho sức khỏe, đặc biệt nếu được đưa vào thực đơn khoa học, đều đặn.
Rau cải bó xôi
Rau cải bó xôi là “siêu thực phẩm” trong Đông y và y học hiện đại. Rau vị ngọt, tính mát, vào các kinh Tỳ, Vị, tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, nhuận tràng.
Đây là loại rau rất giàu acid folic, sắt, magie, vitamin A và K, giúp ngăn ngừa thiếu máu, bảo vệ xương khớp và tăng cường thị lực.
Người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nên dùng loại rau này thường xuyên để bổ sung vi chất thiết yếu, phòng ngừa loãng xương và suy dinh dưỡng.

Rau cải bó xôi là siêu thực phẩm đối với sức khỏe (Ảnh minh họa)
Rau ngót
Rau ngót là loại rau quen thuộc trong bữa cơm Việt. Theo Đông y, rau ngót tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và sát khuẩn. Rau ngót đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh, người bị nhiệt miệng, táo bón và cao huyết áp.
Rau ngót chứa nhiều vitamin C, B1, B2 và chất đạm thực vật, giúp tăng cường sức đề kháng, điều hòa huyết áp và hỗ trợ làm lành vết thương. Một bát canh rau ngót mỗi tuần là liều thuốc bổ nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
Rau muống
Rau muống là loại rau dân dã nhưng lại có giá trị dược tính không nhỏ. Rau muống vị ngọt, tính lạnh, vào kinh Can và Vị, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc gan, tiêu viêm.
Lương y Nguyễn Trung Hái cho rằng, nếu dùng rau muống đúng cách rửa kỹ, luộc chín, ăn vừa phải thì đây là món ăn lý tưởng vào mùa hè, rau muống giúp làm mát cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, người bị gout hoặc đang uống thuốc kháng sinh nên tạm ngưng dùng rau muống để tránh tương tác bất lợi.
Rau mồng tơi
Rau mồng tơi tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt và làm dịu niêm mạc dạ dày. Mồng tơi có nhiều chất nhầy tự nhiên, tốt cho người bị táo bón, trĩ, nhiệt trong. Ngoài ra, trong mồng tơi có chất sắt, vitamin A, C, E giúp làm đẹp da, sáng mắt và chống lão hóa.
Món canh rau mồng tơi nấu với cua đồng hay tôm là lựa chọn lý tưởng cho mùa hè oi bức và giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.

Rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt (Ảnh minh họa)
Rau diếp cá
Loại rau gia vị có mùi đặc trưng nhưng là “thần dược” đối với người bị nóng trong, mụn nhọt, táo bón, điều trị bệnh trĩ và cao huyết áp. Rau diếp cá có tính mát, vị hơi cay, giúp kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu và làm mát gan.
Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, uống nước ép diếp cá hoặc ăn sống rau diếp cá 2–3 lần/tuần là cách đơn giản để hỗ trợ chức năng gan, thanh lọc cơ thể và phòng ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu.
Lương y Nguyễn Trung Hái chia sẻ: “Người Việt có lợi thế khi sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, rau xanh phong phú, giá trị dược liệu cao nhưng lại bị xem nhẹ. Nếu đưa được các loại rau kể trên vào bữa ăn một cách khoa học, chúng ta có thể phòng bệnh ngay từ trong căn bếp”.
Việc ăn rau không đơn thuần là bổ sung chất xơ mà còn là một phần trong nghệ thuật dưỡng sinh, giữ gìn sự cân bằng và khỏe mạnh cho cơ thể lâu dài.