Chuyên gia rủi ro dự báo Deepseek tạo ra cú sốc cho thị trường

Theo phân tích từ chuyên gia phân tích rủi ro Nassim Taleb, cú sốc tài chính của Nvidia sau khi Deepseek ra mắt là một lời cảnh báo.
nvidia anh 1

Ảnh minh họa Nvidia và Deepseek. Nguồn: Reuters.

Mới đây, chuyên gia phân tích rủi ro Nassim Taleb (tác giả cuốn Thiên nga đen) đã đưa ra cảnh báo sau sự việc cổ phiếu Nvidia (Mỹ) đã mất gần 600 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một phiên giao dịch. Ông Taleb cho rằng sự sụt giảm này chỉ là sự khởi đầu của cơn biến động lớn hơn trong nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư có thể phải đối mặt với “cú sốc đen” còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Nền kinh tế có thể trở nên mong manh hơn

Cú sốc đen là khái niệm được đưa ra bởi ông Nassim Taleb trong cuốn sách Thiên nga đen xuất bản vào năm 2007. Theo đó, ông Taleb cho rằng những cú sốc đến từ ảo tưởng của con người đối với thực tế và nó diễn ra trong cả lĩnh vực đầu tư tài chính. Với trường hợp của Nvidia, khái niệm này lần nữa được đề cập.

Sau khi vượt qua Apple, Nvidia trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu Nvidia lao dốc 17%, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là sàn giao dịch Nasdaq, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù Nvidia là công ty chiếm ưu thế trong lĩnh vực chip AI, sự phát triển của nền tảng DeepSeek - một công nghệ AI tiên tiến với chi phí thấp hơn nhiều so với các đối thủ như OpenAI và Google - đã đặt ra câu hỏi về việc liệu ngành công nghiệp này có thực sự bền vững khi mà các khoản đầu tư hàng tỷ USD vào AI có thể gặp rủi ro lớn.

Tác giả Thiên nga đen nhấn mạnh đây không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà là dấu hiệu của sự mong manh trong hệ thống kinh tế toàn cầu.

nvidia anh 2

Chân dung tác giả Nassim Taleb. Ảnh: Philosophist.

Theo tác giả Nassim Taleb, sự sụt giảm của Nvidia phản ánh một thực tế rằng thị trường chứng khoán ngày nay đang ngày càng trở nên mong manh. Sự phụ thuộc vào một số ít công ty công nghệ như Nvidia là nguyên nhân khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương. Lịch sử chứng minh rằng những công ty đi đầu trong một lĩnh vực chưa chắc đã là người chiến thắng cuối cùng.

Ông lấy ví dụ về sự thay thế của công cụ tìm kiếm Alta Vista bởi Google vào những năm đầu của sự bùng nổ Internet. Do đó, việc các nhà đầu tư và công ty đổ dồn nguồn lực vào những công ty như Nvidia có thể là một dấu hiệu của hành động kiêu ngạo trong nhận thức (epistemic arrogance). Đây cũng là một khái niệm mà Taleb đã đề cập trong cuốn Thiên nga đen để chỉ sự tự tin thái quá vào khả năng dự đoán tương lai của con người.

Nhà phân tích rủi ro Nassim Taleb cho rằng sự kiện có thể lớn hơn nhiều so với những gì các nhà đầu tư đã chứng kiến. Thị trường hiện nay đang giống như những gì đã xảy ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp mạo hiểm quá mức, tin vào sự ổn định giả tạo của thị trường nhờ vào chính sách lãi suất thấp.

“Thị trường đang ở trong một tình trạng 'thừa tự tin', với sự lạc quan thái quá về tiềm năng của công nghệ, mà không tính đến khả năng xảy ra các sự kiện không lường trước được gọi là cú sốc đen”, tác giả Nassim Taleb viết.

NVIDIA có dự báo được sự ra mắt của các nền tảng AI mới không?

Trái với những lo ngại của tác giả Nassim Taleb, NVIDIA không chỉ đơn thuần hưởng lợi từ sự bùng nổ của AI mà thực tế đã có những bước chuẩn bị chiến lược trong nhiều năm trước khi ChatGPT hay Deepseek ra đời. Theo cây bút đến từ tờ Barron's Tae Kim - tác giả cuốn sách The Nvidia Way - sự thành công của công ty xuất phát từ tầm nhìn xa của CEO Jensen Huang.

Khi AI bắt đầu cất cánh vào khoảng năm 2012-2013 với những đột phá trong nhận dạng hình ảnh, ông nhanh chóng nhận ra tiềm năng và chuyển hướng NVIDIA tập trung mạnh vào lĩnh vực này. Công ty đã dành một thập kỷ để phát triển phần mềm, thuật toán và thư viện nhằm tối ưu hóa khả năng xử lý của GPU cho AI.

nvidia anh 3

Cuốn sách The Nvidia Way sẽ được ra mắt vào quý I năm nay tại Việt Nam. Ảnh: WSJ.

Dấu ấn chiến lược của Jensen Huang không dừng lại ở đó. Khi nhóm nghiên cứu của Google công bố bài báo về cấu trúc máy biến áp, ông ngay lập tức nhận thấy đây sẽ là một bước ngoặt và định hướng NVIDIA đầu tư vào các lõi tensor để tối ưu hóa xử lý AI. Đáng chú ý, GPU Hopper - ra mắt chỉ một tháng trước ChatGPT vào năm 2022 - đã được tích hợp động cơ biến áp, một minh chứng cho sự chuẩn bị trước của công ty. Điều này cho thấy NVIDIA đã dự đoán trước sự phát triển của AI và chủ động xây dựng nền tảng phần cứng lẫn phần mềm để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Ngoài chiến lược công nghệ, NVIDIA còn có những quyết định đầu tư mang tính chiến lược. Việc mua lại Mellanox vào năm 2019 là một ví dụ điển hình. Khi đó, Jensen Huang đã tuyên bố rằng AI sẽ mở rộng trên hàng nghìn GPU và Mellanox sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cụm máy chủ AI.

Hiện tại, dự đoán này đã trở thành hiện thực khi các tập đoàn lớn như xAI của Elon Musk hay Meta của Mark Zuckerberg đều triển khai các siêu cụm GPU AI quy mô hàng trăm nghìn đơn vị.

Thực tế cho thấy, NVIDIA có khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ và liên tục đầu tư để đi trước một bước. Ngay từ năm 2019, Ian Buck - người được xem là cha đẻ của CUDA - đã thảo luận về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cách AI có thể học từ kho kiến thức khổng lồ. Những điều này đã trở thành hiện thực với sự phát triển của các mô hình AI như ChatGPT ba năm sau đó.

"CEO Jensen Huang đã nhìn thấy tiềm năng của AI từ sớm mà còn kiên định với niềm tin của mình, ngay cả khi doanh thu từ AI chưa thực sự cất cánh. Nhờ đó, NVIDIA đang dẫn đầu trong các cuộc cách mạng công nghệ, từ GPU lập trình, CUDA, trung tâm dữ liệu cho đến các nền tảng AI hiện đại", tác giả Tae Kim nhận định.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.