Cổ phiếu Vingroup tăng kịch trần sau phiên họp cổ đông

Cổ phiếu VIC của Vingroup tăng trần trong ngày tập đoàn của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025. Đây cũng là mã dẫn đầu nhóm kéo VN-Index tăng hơn 12 điểm.

Cổ phiếu VIC tăng trần và ngắt chuỗi điều chỉnh 4 phiên liên tiếp ngay sau phiên họp ĐHĐCĐ thường niên. Ảnh: VIC.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch giằng co dữ dội 24/4. Dù VN-Index mở cửa trong sắc xanh, phe bán không ngần ngại gây áp lực để thu hẹp thành quả của chỉ số.

Diễn biến này được duy trì đến nửa đầu phiên chiều. Trong thời gian còn lại, VN-Index bật tăng mạnh nhờ đà tăng tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu “họ Vin”.

Kết phiên, VN-Index tăng 12,35 điểm (+1%) lên 1.223,35 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,2%) xuống 211,07 điểm; UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,4%).

Thanh khoản trên cả 3 sàn hôm nay chỉ đạt 19.400 tỷ đồng, phần nào phản ánh sự thận trọng của các nhà đầu tư ở cả phe mua lẫn phe bán.

Bảng điện tử chứng kiến sự phân hóa nhẹ ở nhóm tài chính - ngân hàng, công nghiệp trong khi bất động sản, tiêu dùng - bán lẻ và nguyên vật liệu đồng thuận giữ sắc xanh.

Toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 475 mã tăng (gồm 27 mã tăng trần), 870 mã giữ tham chiếu và 270 mã giảm (gồm 15 mã giảm sàn). Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 18 mã tăng, 4 mã đứng giá và 8 mã điều chỉnh.

vingroup dai hoi co dong,  co phieu vingroup anh 1

VN-Index tiếp tục rung lắc mạnh với biên độ lớn. Ảnh: TradingView.

Cổ phiếu VIC của Vingroup là bluechip duy nhất tăng trần hôm nay. Dẫu vậy, nhịp bứt phá của VIC chưa đủ để đưa vốn hóa tập đoàn trở về vị trí top 2 sàn chứng khoán thiết lập trước đó.

Diễn biến tích cực của VIC xuất hiện trong ngày Tập đoàn Vingroup tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025. Tại sự kiện, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết tập đoàn sẽ mở thêm 2 trụ cột mới gồm Hạ tầng và Năng lượng bên cạnh 3 trụ cột hiện tại.

Trong đó, Vingroup đã đăng ký đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh, đồng thời nghiên cứu phát triển cảng biển.

Trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn này cũng lên kế hoạch phát triển 25,5 GW năng lượng tái tạo và LNG đến năm 2030, tăng lên 52,5 GW vào 2035. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn trước nhu cầu năng lượng xanh và lời kêu gọi từ lãnh đạo Nhà nước.

Với VinFast, ông Vượng cho biết mục tiêu năm nay là bán hơn 200.000 xe điện, chiếm 40% thị phần ôtô nội địa - mức cao nhất tại Việt Nam. Nếu đạt được, hãng sẽ hòa vốn tại thị trường trong nước.

Trước mục tiêu doanh thu hợp nhất 300.000 tỷ đồng năm nay, ông Vượng thừa nhận đây là thách thức lớn nhưng cam kết ban lãnh đạo sẽ nỗ lực tối đa để không chỉ hoàn thành mà còn vượt kế hoạch.

Ngoài VIC, các cổ phiếu cùng hệ sinh thái Vingroup gồm VHM (+4,6%) và VRE (+3,9%) cũng bật tăng mạnh.

Thực tế, nhóm cổ phiếu bất động sản là nhân tố quan trọng kéo VN-Index đi lên hôm nay. Động lực chủ yếu đến từ các mã NVL (+4,6%), KBC (+3,9%), VPI (+1,9%), TCH (+1,4%), IDC (+2,5%), DXG (+1,4%), PDR (+1,9%), SZC (+3,9%).

Các mã điều chỉnh mạnh trước đó như VHC (tăng trần), FPT (+1,4%), MWG (+1,5%), CMG (+1,7%), VTP (+4,4%) cũng ghi nhận sự đảo chiều mạnh mẽ.

Khối ngoại cũng tham gia gom hàng khi mua ròng hơn 400 tỷ đồng hôm nay. Trong đó, HPG (+139 tỷ đồng), MWG (+135 tỷ đồng), VHM (+109 tỷ đồng), STB (+79 tỷ đồng) dẫn đầu danh mục mua vào.

Chiều ngược lại, tiền ngoại thoái lui khỏi GEX (-78 tỷ đồng), MCH (-77 tỷ đồng), SHB (-74 tỷ đồng).

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.