Tháng 3/2002, người phụ nữ họ Trần bắt đầu làm việc tại một công ty ở Chu Châu, Hồ Nam, Trung Quốc. Bà đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau như hậu cần và hành chính. Sau 21 năm làm việc tại công ty, đến tháng 8/2023, bà Trần làm thủ tục nghỉ hưu với mức lương hưu hàng tháng là 1.227,84 NDT (tương đương 4,3 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu, bà Trần phát hiện công ty đã không đóng bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 3/2002 đến tháng 3/2008. Theo tính toán, nếu được đóng bổ sung bảo hiểm xã hội cho những năm còn thiếu, lương hưu hàng tháng của bà Trần có thể tăng thêm 347,28 NDT (khoảng 1,2 triệu đồng). Bà Trần cố gắng liên hệ nhiều lần với bộ phận hành chính của công ty để hỏi nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Sau đó, bà Trần đã khởi kiện công ty cũ của mình ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc đóng thiếu bảo hiểm xã hội gây ra. Phía công ty lại cho rằng, bà Trần đã hoàn tất thủ tục nghỉ hưu, quan hệ lao động đã chấm dứt nên không thuộc trường hợp được bồi thường.
Tòa án sau khi xem xét đã nhận định, tranh chấp phát sinh do người lao động yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường thiệt hại vì không thực hiện đủ thủ tục đóng bảo hiểm xã hội. Vì sự việc được phát hiện sau nhiều năm, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng không thể bổ sung, dẫn đến người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo đúng quyền lợi của mình.
Tòa án cũng nêu rõ, việc đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội đầy đủ và đúng hạn cho người lao động là nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động, nghĩa vụ này không được trì hoãn hoặc miễn trừ trừ trường hợp bất khả kháng hoặc các lý do pháp lý khác.

(Ảnh minh họa)
Trong trường hợp này, công ty đã không hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn cho bà Trần, đồng thời cũng không đóng bổ sung khi bà Trần nghỉ hưu. Hành vi thiếu sót này có mối quan hệ nhân quả trực tiếp đến thiệt hại của bà Trần, do đó công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc giảm lương hưu của bà Trần gây ra.
Mức thiệt hại cụ thể được tính toán dựa trên tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc là 75 tuổi (theo tiêu chuẩn bồi thường thiệt hại về người), được tính gộp một lần là 347,28 NDT/tháng x 12 tháng x 20 năm = 83.347,2 NDT (khoảng 296 triệu đồng). Vì vậy, tòa án án Nhân dân quận Thạch Phong, Chu Châu, Trung Quốc quyết định công ty phải trả cho bà Trần đúng 83.347,2 NDT tiền bồi thường thiệt hại do việc giảm lương hưu.
Sau khi có phán quyết, cả bà Trần và công ty đều không kháng cáo. Công ty đã thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường nói trên cho bà Trần theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc..
Thẩm phán địa phương nhắc nhở, bảo hiểm xã hội cơ bản là một phần quan trọng của hệ thống bảo hiểm xã hội, do người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số đơn vị sử dụng lao động vì nhiều lý do khác nhau đã xảy ra tình trạng đóng chậm, đóng thiếu bảo hiểm, dẫn đến việc người lao động bị giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội và giảm mức lương hưu, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Nếu phát hiện người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan thu bảo hiểm xã hội sẽ đôn đốc thanh toán theo thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu cơ quan bảo hiểm xã hội không có khả năng bù đắp khoản thiếu hụt này, dẫn đến người lao động mất quyền lợi hưu trí nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan truy thu. Theo nguyên tắc nếu có vi phạm thì phải bồi thường, việc mất quyền lợi hưu trí của người lao động phải được chính công ty cũ (người sử dụng lao động) đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ.
Theo The Paper