Cơ quan nào chịu trách nhiệm vụ 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm?

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết vụ việc gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Hơn 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine đã tuồn ra thị trường trong năm 2024. Ảnh: Handmadevn.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 7/1, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nhận được một số câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong vụ việc phát hiện gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất đã bán ra thị trường tại Đắk Lắk vừa qua.

Trả lời nội dung này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết lĩnh vực này thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm. Với quản lý thị trường, lực lượng này có trách nhiệm theo dõi trên kênh lưu thông và phối hợp với các cơ quan liên ngành để rà soát.

"Về vụ việc 3.000 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường theo dõi chặt để kiểm soát", Thứ trưởng Tân chia sẻ.

Trước đó, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết đơn vị chủ yếu kiểm tra các thủ tục hành chính như giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ về thuế....

Theo vị này, Cục Quản lý thị trường không kiểm tra chất lượng sản phẩm bởi đây là trách nhiệm thuộc về Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk).

Ngày 30/12/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ủ chất cấm.

Theo UBND tỉnh này, các cơ quan chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm, có tình trạng "đá bóng" trách nhiệm.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine tại 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột.

Hóa chất 6-Benzylaminopurine hay còn gọi là "nước kẹo" không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hóa chất này thường được sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng tế bào thực vật và ức chế enzym hô hấp, giúp rau củ giữ màu sắc tươi xanh lâu hơn, kéo dài thời gian bảo quản.

Chỉ riêng năm 2024, nhóm này đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ chứa hóa chất cấm, trung bình mỗi ngày cung cấp 8-10 tấn.

Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo, nhà cung cấp giá đỗ cho Bách Hóa Xanh, thừa nhận đã cung cấp 350-400 kg giá đỗ/ngày cho chuỗi này.

Sau khi có thông tin, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngừng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này, đồng thời kiểm nghiệm lại toàn bộ sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.

Theo Bách Hóa Xanh, nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp giá đỗ cho khu vực Đắk Lắk, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng giá đỗ trong toàn chuỗi.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.