Đạt hơn 84% kế hoạch năm, lợi thế nào giúp Techcombank về đích sớm?

Tăng trưởng thu nhập lãi và quản trị chi phí, lợi thế dẫn đầu về CASA… cùng giải pháp đột phá cho từng phân khúc khách hàng giúp Techcombank tự tin đạt kế hoạch đề ra năm 2024.

Mới đây, hơn 10 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Bức tranh chung của ngành ngân hàng ghi nhận những điểm sáng về lợi nhuận với đà tăng trưởng ổn định. Techcombank (mã chứng khoán HOSE: TCB) là một trong 3 ngân hàng đang dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế trong quý III và 9 tháng đầu năm 2024.

Lợi nhuận gần tỷ USD và bộ đệm vững chắc

Dẫn đầu các ngân hàng thương mại, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 33,5% và 28,9% so với cùng kỳ. Ngân hàng tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,5%, với số dư CASA ở mức cao kỷ lục 200.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tiếp tục tăng lên 15,1%.

Đặc biệt, dẫn đầu về hoạt động hiệu quả, trong nhiều năm qua, bất chấp những tác động từ thị trường vĩ mô, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Techcombank tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành với 26%.

Ngan hang Techcombank anh 1

Tính đến hết quý III/2024, Techcombank đã đạt hơn 84% kế hoạch năm đã đề ra.

Techcombank cho rằng lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD đến từ tăng trưởng thu nhập lãi và quản trị chi phí. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng thu nhập lãi thuần (NII) đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tích cực 33,9% so với cùng kỳ năm. NIM (trượt 12 tháng) duy trì tại 4,3%, đi ngang so với quý trước và tăng so với mức 4,1% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) của Techcombank ghi nhận tăng 17,1%, lên mức 8,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, mức tăng khả quan từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 2.541 tỷ đồng, tăng 110,6%.

Tính đến ngày 30/9, vị thế vốn của Techcombank vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 82,2%, dưới mức trần 85% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 24,2%, đi ngang so với cùng kỳ quý trước.

Ngay từ tháng 3, Moody’s đã nâng hạng triển vọng của Techcombank lên mức “Ổn định”. Chỉ số đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của ngân hàng tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về chất lượng tài sản tín dụng, ở mức Ba3. Techcombank là ngân hàng đầu tiên được Moody’s công bố nâng hạng “Triển vọng” trong năm 2024 khi thị trường vẫn còn nhiều diễn biến thách thức.

Đánh giá của Moody’s phản ánh sự ghi nhận đối với kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng. Theo Moody’s, tỷ lệ an toàn vốn và hiệu quả hoạt động của Techcombank tiếp tục ở mức cao hơn trung bình ngành, được hỗ trợ bởi các nguồn huy động vốn đa dạng. Cơ cấu huy động và thanh khoản của Techcombank được đánh giá tiếp tục ổn định. Huy động từ khách hàng tăng lên trong năm 2023, với tỷ lệ CASA cải thiện tới 40%, gần cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng tín nhiệm.

Với kết quả kinh doanh và hoạt động tích cực, Techcombank hiện được các tổ chức tín nhiệm đánh giá cao như FiinRatings xếp hạng tín nhiệm AA-, S&P xếp hạng BB-.

Mở rộng hệ sinh thái, tăng số lượng khách hàng

Việc CASA quay lại đà tăng trưởng tích cực và đạt mức kỷ lục, chủ yếu từ kênh ngân hàng số, đã góp phần giảm chi phí vốn của Techcombank. Vốn là ngân hàng nhiều lợi thế và không ít lần “giữ ngôi vương” về CASA, Techcombank đang thực hiện những giải pháp để giữ chân khách hàng trên nền tảng số, duy trì tài khoản nhằm sử dụng cho mọi nhu cầu tài chính và vẫn tạo ra giá trị tốt nhất.

“Át chủ bài” được nhà băng này tung ra từ đầu năm 2024 chính là tính năng sinh lời tự động trên tài khoản Techcombank. Ra mắt sản phẩm sinh lời từ cuối tháng 1, đến nay, Techcombank đã ghi nhận 1,3 triệu khách hàng đăng ký, trung bình 19.000 khách hàng đăng ký/ngày, số dư tài khoản sinh lời tự động cũng đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Việc huy động được nguồn vốn giá rẻ giúp Techcombank giảm áp lực chạy đua để tiếp tục tập trung cho những giải pháp tài chính toàn diện. Sự khác biệt của chiến lược đến từ việc đáp ứng những nhu cầu trải nghiệm cá nhân hóa người dùng trên cơ sở phân tích dữ liệu, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất để thấu hiểu khách hàng.

Mở rộng đến khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tiểu thương (merchant) là một trong những tiểu phân khúc bán lẻ được Techcombank chú trọng. Các giải pháp tài chính cho tiểu thương, hộ kinh doanh như mã QR, SotfPOS, ShopCash… giúp Techcombank có thêm một lượng khách hàng đáng kể. Sau 9 tháng triển khai, ngân hàng đã có 1,1 triệu khách hàng sử dụng. Đặc biệt, số lượng khách hàng mới đăng ký tăng trưởng trung bình khoảng 37%.

Ngoài ra, việc Techcombank đạt được thỏa thuận ngừng mối quan hệ đối tác độc quyền với Manulife, đồng thời công bố góp vốn thành lập CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) cho thấy ngân hàng đang chuẩn bị những điều chỉnh chiến lược.

Kết thúc quý III, Techcombank phục vụ hơn 14,8 triệu khách hàng, khẳng định mức độ tăng trưởng mới mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm với tổng số lượng tăng mới đạt hơn 1,4 triệu người.