Kỳ tích giữa đại ngàn của con non 3 ngày tuổi
Năm 2007, tờ Vân Nam Nhật báo đưa tin một nhân viên kiểm lâm đã tìm thấy một con vật non bị bỏ rơi trên dãy núi tuyết xa xôi.
Cụ thể, ngày 7 tháng 10 năm 2007, thời tiết tại khu bảo tồn thiên nhiên núi tuyết Vĩnh Đức ngày hôm đó âm u, mưa không ngừng rơi. Tuy nhiên, các cán bộ kiểm lâm vẫn tiếp tục công việc tuần tra và tình cờ phát hiện ra một động vật nhỏ. Nó trông như mới sinh, ước chừng khoảng 3 ngày tuổi. Các kiểm lâm đã theo dõi và nhận thấy cơ thể nó rất yếu, bộ lông màu vàng, nhìn giống một con nai nhỏ.

Các cán bộ kiểm lâm tìm thấy một con non 3 ngày tuổi trên núi tuyết. (Ảnh: Sohu)
Tình trạng của chú nai con không tốt, trên một chân của nó vẫn còn dính nhau thai, ước tính ban đầu là đã bị mẹ bỏ rơi. Trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như vậy, nếu bị bỏ rơi, khả năng sống sót của nó gần như bằng không. Xét thấy tình hình này, kiểm lâm quyết định quay về báo cáo với trưởng trạm.
Sau khi nghe báo cáo, trưởng trạm cũng nhận thấy tình trạng nguy cấp của chú nai con và quyết định thành lập đội cứu hộ để lên núi tìm kiếm.
Ngày hôm sau, đội cứu hộ đã phải đi bộ 3 tiếng đồng hồ mới đến được khu vực chú nai con bị bỏ rơi. Nó vẫn nằm im tại chỗ, toàn thân ướt sũng vì mưa. Trưởng trạm nhanh chóng tiến đến kiểm tra, phát hiện cơ thể chú nai con đã lạnh cứng, hơi thở yếu ớt. Nếu tiếp tục để mặc, nó chắc chắn sẽ chết.
Trưởng trạm và các thành viên trong đội đã cởi áo mưa và quần áo của mình để che chắn và ủ ấm cho chú nai con. Khoảng 40 phút sau, chú nai con dần dần hồi phục và có thể cử động được. Đội cứu hộ đưa chú nai con về trạm bảo tồn, nhưng việc cho nó ăn lại trở thành một bài toán nan giải.

Nhờ sữa bột, chú nai con đã sống sót qua đêm. (Ảnh: Sohu)
Đội cứu hộ đã đến nhà dân tìm sữa bò mới sinh để cho chú nai con bú nhưng không thành công. Họ đành phải tìm cách khác, dùng sữa bột cho trẻ sơ sinh để thay thế. Nhờ sữa bột, chú nai con đã sống sót qua đêm.
Ngày 9/10, trưởng trạm đã báo cáo việc phát hiện chú nai con lên cấp trên và mời chuyên gia đến giám định. Kết quả cuối cùng xác nhận đây là một loài nai vô cùng quý hiếm, thuộc nhóm động vật được bảo vệ cấp quốc gia của Trung Quốc, từng được cho là đã tuyệt chủng. Đó chính là hươu vàng, và con non vừa được phát hiện là một con cái. Khám phá này khiến giới khoa học Trung Quốc và thế giới vô cùng hân hoan.
Do chú hươu vàng còn nhỏ, việc nuôi dưỡng nhân tạo gặp rất nhiều khó khăn. Chuyên gia đề nghị cho nó uống sữa bò Tây Tạng. Đội cứu hộ ngay lập tức thực hiện. Tuy nhiên, lần đầu tiên uống sữa bò Tây Tạng, chú hươu vàng đã bị tiêu chảy năm sáu lần. Mọi người ở trạm bảo tồn đều rất lo lắng nó sẽ không qua khỏi.
Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, tình trạng của nó đã khá hơn, ăn được, ngủ được. Đến ngày 13, nó đã có thể tự bú bình và tự ra ngoài ăn cỏ ba lá. Đây quả là một tin vui lớn. Ngày 15, lượng sữa của nó tăng lên 3 bình, ngoài ra nó còn tự đi ăn cỏ. Sau đó, lượng sữa dần dần tăng lên 8 bình.

Chú hươu vàng cái nhỏ dần dần trưởng thành và được đặt tên là "Shanshan". (Ảnh: Sohu)
Nhờ được chăm sóc nhân tạo, con hươu vàng non dần dần có thể tự lập trong cuộc sống. Vào tháng 12, các chuyên gia đã quay trở lại khu bảo tồn thiên nhiên núi tuyết Vĩnh Đức để tiến hành khảo sát, xác minh lại danh tính của nó và tìm kiếm xem còn cá thể hươu vàng hoang dã nào khác hay không.
Chú hươu vàng cái nhỏ dần dần trưởng thành và được đặt tên là "Shanshan". Sau khi xác nhận cuối cùng, đây chính là loài hươu vàng đã biến mất ở Trung Quốc hàng thập kỷ, từng được tuyên bố là tuyệt chủng.
Tuy nhiên, trong hai năm sau khi phát hiện Shanshan, người ta không tìm thấy thêm bất kỳ cá thể hươu vàng hoang dã nào khác. Nếu chỉ có một mình Shanshan là con cái, việc nhân giống nhân tạo sẽ không thể thực hiện được, tình trạng của loài này vẫn rất nguy cấp.
Mãi đến tháng 4/2009, các chuyên gia lại có phát hiện mới tại khu bảo tồn thiên nhiên núi tuyết Vĩnh Đức.
Khi đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu của khu bảo tồn, ông Lý Tiểu Bình, cùng một số chuyên gia đang tiến hành khảo sát trong khu bảo tồn thì bất ngờ chú ý đến một con vật nằm nghỉ ngơi trong rừng cây cách đó khoảng 300-400 mét. Do khoảng cách khá xa, họ đã dùng ống nhòm quan sát. Phía trước quả thực có một con vật đang nằm nghỉ ngơi trên mặt đất, nhưng cây cối rậm rạp che khuất phần thân dưới của nó, khiến mọi người không thể xác định chính xác.

Sự xuất hiện của Shanshan và con hươu vàng đực này chứng minh rằng trong khu bảo tồn thiên nhiên núi tuyết Vĩnh Đức vẫn tồn tại một quần thể hươu vàng hoang dã nhất định. (Ảnh: Sohu)
Vừa phấn khích vừa lo lắng, họ cảm thấy nó giống hươu vàng nhưng lại không nhìn rõ. Trong lúc nóng lòng, ông Lý Tiểu Bình đã hét lên một tiếng, khiến con vật giật mình đứng dậy.
Lúc này, mọi người mới nhìn rõ được toàn bộ đặc điểm hình thái của nó. Sau khi đánh giá sơ bộ, họ xác định đây chính là một con hươu vàng, và là một con đực. Các chuyên gia đã nhanh chóng chụp được ảnh của nó. Đây cũng là lần đầu tiên sau 40 năm, người ta ghi nhận được hình ảnh một cá thể hươu vàng trưởng thành trong môi trường tự nhiên.
Sự xuất hiện của Shanshan và con hươu vàng đực này chứng minh rằng trong khu bảo tồn thiên nhiên núi tuyết Vĩnh Đức vẫn tồn tại một quần thể hươu vàng hoang dã nhất định.

Việc phát hiện ra con hươu vàng đực trưởng thành này đồng nghĩa với việc nhân giống loài này có hy vọng. (Ảnh: Sohu)
Shanshan đã đến tuổi sinh sản. Trước đó, để nhân giống, người ta đã đưa vào một số con đực, nhưng không phải là hươu vàng. Việc phát hiện ra con hươu vàng đực trưởng thành này đồng nghĩa với việc nhân giống loài này có hy vọng.
Khu bảo tồn cũng cho biết, nếu có điều kiện, họ sẽ thử áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho Shanshan để tăng số lượng cá thể hươu vàng.
Cuộc chiến sinh tồn của loài hươu vàng
Hươu vàng (Axis porcinus) dài 61-70 cm, cư trú trong các khu rừng ở từ Nam Á đến Đông Nam Á. Loài này có tập tính chạy chúi đầu giống lợn rừng và thường chui qua bên dưới các chướng ngại vật chứ không nhảy qua. Chúng phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan. Trước đây, Trung Quốc cũng có một số lượng nhỏ hươu vàng hoang dã, nhưng số lượng rất hạn chế, phạm vi phân bố cũng rất hẹp, chỉ có ở huyện Gengma và huyện Ximeng, phía tây tỉnh Vân Nam.

Hươu vàng (Axis porcinus) dài 61-70 cm, cư trú trong các khu rừng ở từ Nam Á đến Đông Nam Á. (Ảnh: Sohu)
Hươu vàng (Axis porcinus) sinh sống trong rừng thưa ven các sình lầy, sông suối, ở độ cao không quá 1000m so với mặt biển. Chúng kiếm ăn vào ban đêm, ban ngày nghỉ ngơi trong các lùm cây lau sậy rậm rạp hay đầm mình trong bùn nước. Chúng sống theo đàn 20 - 30 con, có thể lẫn lộn với đàn nai cà tông hoặc nai. Thức ăn là cỏ lá cây ở những khu vực ẩm ướt ven các đầm lầy, sông suối.
Đặc tính sinh sản của hươu vàng ở Việt Nam chưa được nghiên cứu. Theo tài liệu nước ngoài, hươu vàng động dục và ghép đôi vào tháng 9, 10, thời gian mang thai khoảng 8 tháng. Mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ 1 con.

Hiện nay, số lượng hươu vàng chỉ còn khoảng 200 - 300 con, được xếp vào loại Nguy cấp. (Ảnh: Sohu)
Hiện nay, số lượng hươu vàng chỉ còn khoảng 200 - 300 con, được xếp vào loại Nguy cấp. Sinh cảnh của chúng ngày càng bị thu hẹp dần do hoạt động khai thác các vùng ẩm thấp làm nông nghiệp và xây dựng các hồ chứa nước.
Do khu vực hoạt động của chúng thường là những vùng núi biên giới hiểm trở, ít người lui tới, lại thêm bản tính nhút nhát, hoạt động về đêm, nên việc quan sát và ghi chép về hươu vàng của con người rất hạn chế trong một thời gian dài.
Mãi đến năm 1959, Trung Quốc mới xác định được sự tồn tại của một số ít cá thể hươu vàng hoang dã trong nước. Tuy nhiên, do môi trường sống bị phá hủy và công tác bảo vệ chưa kịp thời, số lượng hươu vàng vốn đã ít ỏi lại không còn dấu tích gì.

Vào những năm 1980, hươu vàng được tuyên bố tuyệt chủng ở Trung Quốc, cho đến khi Shanshan xuất hiện vào năm 2007 mới phá vỡ thế bế tắc này. (Ảnh: Sohu)
Vào những năm 1980, hươu vàng được tuyên bố tuyệt chủng ở Trung Quốc, cho đến khi Shanshan xuất hiện vào năm 2007 mới phá vỡ thế bế tắc này. Sau đó, người ta bắt đầu chú ý đến việc điều tra, nghiên cứu và tăng cường bảo vệ hươu vàng, số lượng cá thể mới dần dần tăng lên, nhưng vẫn còn rất ít. Hiện nay, ở Trung Quốc, chỉ có 3 vườn thú có hươu vàng, đó là Thượng Hải, Bắc Kinh và Thành Đô.
Ngày nay, việc chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hươu vàng trong rừng Trung Quốc được xem là may mắn của giới chuyên gia. Đây là kết quả của những nỗ lực lâu dài của những người làm công tác bảo vệ sinh thái. Hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn để bảo vệ ngôi nhà của các loài động vật quý hiếm, đồng thời gìn giữ sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Theo Sohu, Chinanews, YnDaily