Sáng mùng 4 Tết, sau khi đã thăm hỏi, chúc Tết người thân, họ hàng, xóm làng xung quanh, tôi cùng chồng tới nhà đồng nghiệp của cả 2 chúc Tết. Đây là năm đầu tiên chúng tôi kết hôn, chưa vướng bận con cái, có nhiều thời gian nên chúng tôi đã về thành phố sớm, tới thăm nhà các đồng nghiệp.
Điểm đến đầu tiên là nhà chị H. - đồng nghiệp của tôi, nhà cách chúng tôi 5km. Sau khi ngồi một lúc ăn bánh kẹo, trái cây, cắn hạt dưa, vợ chồng tôi gửi tới họ gửi lời chúc sức khoẻ, bình an, công việc thuận lợi cho năm nay.
Chúng tôi cũng rút ra những chiếc bao lì xì để mừng tuổi cho các con của đồng nghiệp. Nhà chị H. có 2 cháu, cháu lớn đã học Đại học năm thứ 2, cháu nhỏ học lớp 6. Khi tôi đưa phong bao tặng cháu lớn, đồng nghiệp vội từ chối với lý do "Cháu đã trưởng thành, hết tuổi lì xì". Nhưng tôi nghĩ lì xì là tập tục cầu mong may mắn cho một năm mới, có ý nghĩa thiêng liêng chứ không nằm ở số tiền bên trong.
Ngoài 2 con của chị H., tôi thấy trong nhà còn 2 đứa trẻ nữa. Chị H. kể đó là con nhà hàng xóm, vì gần nhau và khá thân thiết với gia đình nên các cháu vẫn thường chạy sang chơi. Nghe vậy, tôi cũng rút 2 phong bao để lì xì cho 2 cháu.
Nhưng khi vừa nhận phong bao, cháu bé 6 tuổi đã xé ra, lôi tờ 50 nghìn đồng bên trong và thốt lên: "Ít thế. Cô lì xì ít như thế này chưa đủ số tiền cháu cần mua đồ chơi rồi" . Nghe xong câu nói của đứa trẻ, cả nhà im bặt, đồng nghiệp gượng gạo nhắc khéo: "Cháu phải cảm ơn cô chứ, sao lại ăn nói như thế". Nhưng đứa trẻ chỉ im lặng, ngúng nguẩy định bỏ đi chơi.
Còn tôi thì "nóng mặt", quyết định dạy cho đứa trẻ một bài học. Tôi nghĩ trẻ nhỏ đúng là không có lỗi, lỗi do cha mẹ đứa trẻ chưa dạy dỗ tới nơi tới chốn. Đầu tiên, tôi gọi đứa trẻ lại, xin đồng tiền cầm trên tay rồi nói: "Ít đúng không, vậy cháu cho cô xin lại nhé. Cô nghĩ việc đầu tiên khi nhận được lì xì từ người lớn là cần khoanh tay lễ phép xin, chúc lại và tuyệt đối không được xé toạc phong bao trước mặt người lớn như vậy".
Chồng thấy vậy huých nhẹ khuỷu tay tôi ra hàm ý nhắc nhở nhưng tôi vẫn mặc kệ. Còn đứa trẻ có vẻ xấu hổ nên cúi gằm mặt xuống rồi lủi vào phòng. Đồng nghiệp của tôi cũng lặng thing chưa biết phải nói gì. Tôi lại phá vỡ bầu không khí: "Dạy trẻ nhỏ cách nhận phong bao lì xì rất quan trọng. Người lớn cần hướng dẫn trẻ cẩn thận để không xảy ra những tình huống 'dở khóc dở cười' và giúp đứa trẻ hiểu được tập tục năm mới".
Tôi nghĩ rằng đầu xuân năm mới, khi tới chơi nhà người khác, ngoài lì xì cho con của họ, tôi sẽ vẫn lì xì cho những đứa trẻ khác ở đó ngay cả khi không biết là con ai. Tôi muốn năm mới, mọi người đều vui vẻ, những đứa trẻ có phong bao cũng vui vẻ, phấn khởi.