Sân bay Amsterdam Schiphol nhìn từ trên cao. Ảnh: NACO |
Trong lần thứ 5 kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các cơ quan quản lý liên quan phải hoàn thành dự án trong năm 2025 và đưa sân bay vào khai thác trước 28/2/2026.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai triển khai quy hoạch phát triển Long Thành thành đô thị sân bay bao gồm 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch, phát huy hệ sinh thái quanh sân bay.
Theo kế hoạch của tỉnh Đồng Nai, thành phố sân bay Long Thành, bao gồm khu vực sân bay, huyện Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch, sẽ được phát triển theo mô hình đô thị sân bay hiện đại. Mô hình này kết hợp sân bay với các khu chức năng thương mại, giải trí và công nghiệp, tạo nên một hệ sinh thái kinh tế bền vững, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm và đầu tư.
Thực tế, trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng mô hình đô thị sân bay, tiêu biểu như Hà Lan (Amsterdam Schiphol), Đức (Frankfurt), Singapore (Changi) và Dubai.
Tích hợp đa chức năng
Amsterdam Schiphol (Hà Lan) là sân bay tiên phong trên thế giới trong việc áp dụng mô hình đô thị sân bay, kết hợp vai trò trung tâm vận tải với các chức năng kinh tế và kỹ thuật số.
Với diện tích 2.787 ha, sân bay này được thiết kế như một hệ sinh thái đô thị hoàn chỉnh, tích hợp các tiện ích như ngân hàng, nhà hàng, trung tâm hội nghị, khu vui chơi, bảo tàng và các cơ sở phục vụ hành khách làm việc hoặc giải trí ngay tại sân bay.
Hệ thống 6 đường băng giao cắt giúp tối ưu hóa thời gian cất, hạ cánh, tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và hành khách nhanh chóng.
Toàn cảnh 6 đường cất hạ cánh của sân bay Schiphol. Ảnh: aerostockphoto. |
Với vị trí chiến lược nằm giữa các nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Anh, Đức và Pháp, Schiphol kết nối 244 triệu người trong bán kính 1.000 km, tạo nên mạng lưới giao thương rộng lớn.
Nhờ hệ thống giao thông hiện đại, bao gồm đường hàng không, đường sắt và đường bộ, Amsterdam trở thành trung tâm vận tải quan trọng của châu Âu. Hành khách chỉ mất 14 phút đi tàu đến trung tâm Amsterdam và dưới 30 phút để đến các thành phố lớn như The Hague, Utrecht và Rotterdam.
Schiphol còn liên kết trực tiếp với các cảng biển lớn như Amsterdam và Rotterdam, hỗ trợ vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xâm nhập vào thị trường châu Âu.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, khu vực Schiphol còn sở hữu hạ tầng kỹ thuật số chất lượng cao khi sân bay được kết nối với AMS-IX, trung tâm Internet lớn của châu Âu, thông qua 7 tuyến cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương.
Theo báo cáo thường niên của Royal Schiphol Group, năm 2023, Amsterdam Schiphol đã phục vụ hơn 71,7 triệu lượt khách, vận chuyển hơn 1,4 triệu tấn hàng.
Trong khi đó, khác với Schiphol (Amsterdam), đô thị sân bay Frankfurt (Đức) được định hình bởi hai trung tâm chính: CargoCity South - trung tâm logistics hàng đầu châu Âu, và khu công nghiệp hiện đại Mönchhof.
CargoCity South (98 ha) quy tụ hơn 200 doanh nghiệp vận tải, hãng hàng không và dịch vụ hậu cần, với các bất động sản văn phòng, nhà kho được thiết kế linh hoạt, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Hệ thống giao thông đa dạng kết hợp đường hàng không, đường bộ và đường sắt giúp kết nối hàng hóa và hành khách nhanh chóng trên toàn châu Âu và thế giới.
Khu công nghiệp Mönchhof tập trung các ngành logistics, cơ khí, bán lẻ và y tế, đi kèm các văn phòng, khách sạn cao cấp như The Riverbay và Styles Hotel, được bao quanh bởi không gian xanh và tiện ích hiện đại.
Khu công nghiệp Mönchhof chỉ cách trung tâm sân bay Frankfurt (Đức) khoảng 12 km. Ảnh: Frankfurt Airport. |
Nhờ hạ tầng giao thông đồng bộ, từ ga tàu ICE đến các tuyến cao tốc lớn, khu vực này chỉ cách sân bay 7 phút và trung tâm thành phố 20 phút. Sự kết hợp giữa logistics tiên tiến và hạ tầng hiện đại giúp Frankfurt trở thành đầu mối giao thương quốc tế, lý tưởng để mở rộng thị trường châu Âu.
Còn tại Singapore, được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”, sân bay Changi được kết hợp giữa hạ tầng giao thông hiện đại và các dịch vụ mua sắm, giải trí đa dạng với hơn 400 cửa hàng từ đồ điện tử đến thời trang cao cấp, cùng hơn 100 nhà hàng phục vụ ẩm thực 24/7. Những yếu tố này đã đưa Changi vào top 3 thế giới về mức chi tiêu của du khách tại sân bay.
Không chỉ sở hữu sân bay hiện đại, Singapore đã phát triển một hệ thống hạ tầng giao thông và khu phức hợp xung quanh sân bay Changi, giúp quốc gia này trở thành trung tâm logistics hàng đầu thế giới.
Sân bay Changi được kết nối trực tiếp với hệ thống MRT và các tuyến cao tốc như East Coast Parkway (ECP), giúp di chuyển nhanh chóng giữa sân bay và các khu vực khác của Singapore. Mở rộng sân bay với Terminal 5 (T5), dự án này bao gồm các tuyến MRT mới và các hạ tầng như hệ thống hầm dịch vụ, tăng cường khả năng vận chuyển và kết nối.
Không gian bên trong Jewel Changi Airport được thiết kế hiện đại, bao phủ bởi hệ thống cây xanh. Ảnh: CNN. |
Khu vực xung quanh Changi còn có Changi Business Park, nơi tập trung các công ty công nghệ, tài chính và nghiên cứu, cùng với Changi East phục vụ nhu cầu thương mại và logistics, tạo ra một không gian sống và làm việc hiện đại.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa cảng biển Tuas và sân bay Changi giúp tối ưu hóa luồng vận chuyển hàng hóa, củng cố tầm quan trọng của Singapore trong hệ thống logistics toàn cầu.
Còn ở Trung Đông, Dubai đang có kế hoạch đẩy mạnh quy hoạch đô thị quanh sân bay Al Maktoum, không chỉ để tăng năng lực hàng không mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và đô thị hóa bền vững. Kế hoạch tập trung xây dựng cộng đồng hiện đại với trường học, bệnh viện, giao thông công cộng, và các khu mua sắm, giải trí, biến Dubai thành trung tâm toàn cầu cho cư dân và du khách.
Nhà ga mới tại sân bay Al Maktoum sẽ tác động mạnh mẽ đến du lịch Dubai. Ảnh: The National. |
Khu vực Dubai South dự kiến trở thành trung tâm bất động sản mới, kết nối chặt chẽ giữa không gian làm việc, sinh sống và giải trí. Đồng thời, các dự án như Dubai Expo City sử dụng năng lượng tái tạo, khẳng định cam kết của Dubai với phát triển xanh và thu hút đầu tư quốc tế.
Động lực phát triển kinh tế
Nhờ hạ tầng cáp quang hiện đại, sân bay Amsterdam Schiphol không chỉ là trung tâm hàng không mà còn là điểm thu hút các công ty công nghệ toàn cầu như Microsoft, Intel, Google... Điều này đã giúp khu vực xung quanh Schiphol phát triển thành một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Âu.
Khu đô thị sân bay Schiphol góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực Randstad - trung tâm kinh tế lớn nhất Hà Lan. Các đô thị vệ tinh quanh sân bay, kết nối qua mạng lưới giao thông hiện đại, phát triển mạnh mẽ với các khu logistics, công nghiệp, thương mại và khu dân cư hỗn hợp. Hệ sinh thái này tạo ra không gian sống, làm việc và giải trí hiện đại, đồng thời thu hút du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Đáng chú ý, Schiphol đóng góp khoảng 30 tỷ euro vào nền kinh tế Hà Lan mỗi năm và tạo ra khoảng 300.000 việc làm. Với hơn 500 công ty, Schiphol không chỉ là trung tâm vận tải mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của quốc gia châu Âu này.
Royal Schiphol Group - chủ đầu tư dự án Amsterdam Schiphol - vẫn tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu euro mỗi năm vào nâng cấp hạ tầng, củng cố vị thế của Schiphol tại châu Âu và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Hà Lan.
Còn với Frankfurt, tính riêng trong năm 2023, sân bay này ghi nhận lợi nhuận ròng kỷ lục, đạt 430,5 triệu euro (467,1 triệu USD), theo Reuters. Doanh thu hàng năm của sân bay tăng hơn 25%, đạt khoảng 4 tỷ euro, với lợi nhuận hoạt động đạt 1,2 tỷ euro.
Kết quả khả quan này phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của lượng hành khách, khi sân bay ghi nhận mức tăng trưởng 21% so với năm 2022, đạt 59,4 triệu lượt hành khách.
Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn INFRAS, sân bay Frankfurt cung ứng khoảng 116.000 việc làm tại các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ trong khuôn viên sân bay. Thêm vào đó, thói quen tiêu dùng của những người lao động này còn tạo ra khoảng 59.000 công việc khác, nâng tổng số người hưởng lợi từ ảnh hưởng kinh tế của sân bay lên khoảng 175.000 người.
Trong khi đó, Singapore đã đầu tư hơn 1,7 tỷ USD để xây dựng Jewel Changi và mở rộng các hạ tầng sân bay, bao gồm nhà ga và đường băng. Nhờ vào các cải tiến liên tục về dịch vụ và cơ sở vật chất, sân bay quốc tế Changi luôn đứng đầu các bảng xếp hạng sân bay tốt nhất, đóng góp hơn 5% vào GDP đảo quốc sư tử và tạo ra hơn 200.000 việc làm.
Changi là sân bay sở hữu khu phức hợp mua sắm, giải trí hiện đại và đông đúc hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Inertour, iStock. |
Với vị trí chiến lược và hệ thống giao thông thuận tiện, khu vực Changi Business Park thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và logistics như IBM, Citibank, JPMorgan.
Tại Dubai, các nhà lãnh đạo coi hàng không là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của du lịch quốc tế đến thành phố này.
Tính riêng năm 2023, ngành hàng không của Dubai, bao gồm Tập đoàn Emirates và Dubai Airports, đóng góp 137 tỷ AED (tương đương 37,3 tỷ USD), chiếm 27% GDP của Dubai, trong đó 94 tỷ AED đến từ tác động kinh tế chính và 43 tỷ AED từ du lịch.
Ngành du lịch hàng không ước tính đóng góp 43 tỷ AED vào GDP của Dubai, tương đương 8,5%, hỗ trợ 329.000 việc làm. Trong 6 năm tới, du lịch hàng không dự báo hỗ trợ 63 tỷ AED, tương đương 10% GDP của Dubai.
Theo dự báo của Dubai Airports đến năm 2030, ngành hàng không sẽ tiếp tục đóng góp 196 tỷ AED, tương đương 32% GDP Dubai. Ngành này cũng tạo ra 631.000 việc làm, chiếm 1/5 số việc làm tại Dubai, và dự kiến tạo thêm 185.000 việc làm nữa vào năm 2030, nâng tổng số việc làm lên 816.000.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.