Loại hạt giúp hạ mỡ máu hiệu quả
Đậu tương (hay còn gọi là đậu nành) là loại hạt không hề xa lạ với người dân Việt Nam. Đậu tương có giá thành rẻ, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Các món ăn từ đậu tương xuất hiện thường xuyên trên mâm cơm của gia đình Việt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng loại hạt bình dân này lại là một “siêu thực phẩm kép”: vừa giúp giảm mỡ máu, bảo vệ tim mạch, vừa hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu máu nhờ cung cấp sắt cho cơ thể.
Các phân tích tổng hợp từ hàng chục thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã khẳng định đậu tương có thể hỗ trợ làm giảm mỡ máu – một trong những yếu tố then chốt trong việc phòng ngừa các bệnh lý tim mạch.
Theo kết quả tổng hợp từ 35 nghiên cứu khoa học, những người tiêu thụ đậu tương thường xuyên có mức cholesterol "xấu" LDL giảm đáng kể, đồng thời có lượng cholesterol "tốt HDL tăng nhẹ – theo thông tin đăng tải trên báo Sức khỏe & Đời sống.
Đặc biệt, một nghiên cứu tại Đại học Illinois (Mỹ) đã chỉ ra rằng B-conglycinin – một loại protein đặc biệt trong đậu tương – có khả năng ức chế enzyme tổng hợp cholesterol ở gan, từ đó giúp giảm tích tụ mỡ gan tới 50–70%, có hiệu quả tương đương một số thuốc hạ mỡ máu.
Theo thông tin đăng tải trên báo Vietnamnet, đặc tính giảm cholesterol trong máu của đạm đậu tương đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức công nhận vào năm 1999 trong một công bố về sức khỏe. Cụ thể, theo FDA, tiêu thụ 25 gam đạm đậu tương mỗi ngày được coi như một phần của chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đậu tương. (Ảnh minh hoạ)
Không dừng lại ở đó, đậu tương còn là nguồn sắt thực vật dồi dào, đặc biệt phù hợp với người ăn chay, phụ nữ thiếu máu nhẹ hoặc những người có chế độ ăn thiếu vi chất.
Theo nghiên cứu đăng trên The American Journal of Clinical Nutrition, phần lớn sắt trong đậu tương tồn tại ở dạng ferritin – một dạng dễ hấp thu hơn so với sắt không liên kết. Trong một thí nghiệm lâm sàng trên phụ nữ thiếu sắt nhẹ, mức hấp thu sắt từ súp đậu tương của người tham gia đạt tới 27%, gần tương đương với sắt tổng hợp (hoá học).
Khảo sát tại Mỹ cũng cho thấy, những người tiêu thụ nhiều sản phẩm từ đậu tương có tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt (IDA) thấp hơn. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ thiếu máu tiềm ẩn trong cộng đồng.
Lưu ý khi sử dụng đậu tương
Với hai công dụng nổi bật là hạ cholesterol và phòng ngừa thiếu máu, đậu tương được giới chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao. Để đạt hiệu quả tối ưu, các chuyên gia đưa ra một số lưu ý khi sử dụng đậu tương như sau:
- Duy trì tiêu thụ 25–50g protein đậu tương/ngày, tương đương 1–2 ly sữa đậu nành hoặc 100g đậu phụ.
- Kết hợp đậu tương với các thực phẩm giàu vitamin C (như ớt chuông, cam, chanh…) để tăng khả năng hấp thu sắt.
- Ưu tiên sử dụng đậu tương nguyên chất hoặc ít chế biến công nghiệp (hạn chế ăn đậu chiên, rán nhiều dầu mỡ).
Trong bối cảnh các bệnh tim mạch, tăng mỡ máu, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, đậu tương được đánh giá là một trong những thực phẩm lành mạnh và được khuyến khích bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Dù không thể thay thế hoàn toàn thuốc điều trị nhưng sử dụng đậu tương đúng cách được coi là một giải pháp dinh dưỡng bền vững để bảo vệ sức khỏe tim mạch cho mọi người.