Gỡ vướng pháp lý, nhiều dự án bất động sản hồi sinh

Nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ giúp nhiều dự án bất động sản (BĐS) “mắc kẹt” trong thời gian dài đang dần hồi sinh trở lại. Hiện nay, TP.HCM có 143 dự án BĐS, Hà Nội 246 dự án, Hải Phòng 4 dự án, Bình Định 16 dự án, Cần Thơ 34 dự án… còn vướng mắc đang chờ được tháo gỡ.

metro-star-1717039779.jpg

Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) sắp được mở bán

Tháng 4/2024, UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) phê duyệt Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star tại số 360 Đại lộ Võ Nguyên Giáp của Công ty CP Đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group). Đại diện Chủ đầu tư cho biết, đã kiên nhẫn chờ hồ sơ gửi đi nhiều vòng, mất 3 năm ở các sở, ngành, thanh tra, kiểm toán, UBND TP.HCM... cho đến khi được giao về cho UBND TP. Thủ Đức từ tháng 8/2023 để ký theo phân cấp tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Đây là dự án BĐS nằm trong danh sách vướng mắc pháp lý của TP.HCM. Công ty CP Đầu tư Metro Star mua lại Dự án từ Công ty CP Công trình giao thông công chánh năm 2015, đã hoàn thành phần móng và triển khai bán hàng nhưng phải dừng lại để rà soát thủ tục pháp lý, trong đó xem xét giá trị quyền sử dụng đất khi chủ đầu tư cũ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) và thẩm quyền chuyển nhượng dự án. Sau đó thực hiện điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 điều chỉnh và nộp hồ sơ cập nhật lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Trước đó, tại Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 8/5/2019, dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt có 1.467 căn hộ. Việc chính thức mở bán Metro Star với giá dự kiến khoảng 70 triệu đồng/m2 trong bối cảnh nguồn cung căn hộ ít ỏi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng.

Tại phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, trong năm nay, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền) sẽ tập trung xây dựng Dự án Emeria quy mô 6 ha và Dự án Clarita quy mô 5,8 ha cùng Tập đoàn Keppel Land (Singapore) sau thời gian khá dài “mắc kẹt”. Sản phẩm chủ yếu của 2 dự án này là biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư. Tổng chi phí phát triển 2 dự án khoảng 10,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả chi phí đất đai. Bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT Nhà Khang Điền cho hay, dự kiến cuối năm nay, khi đủ các điều kiện pháp lý theo quy định, Dự án sẽ “bung hàng” ra thị trường.

Ngoài việc hợp tác nói trên, hiện các dự án Khu dân cư Tân Tạo và Khu đô thị Phong Phú 2 cũng đang được Nhà Khang Điền tiến hành giải phóng mặt bằng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 - 2025.

Thực tế cho thấy, các DN đang có quỹ đất thương phẩm lớn với pháp lý hoàn thiện để sẵn sàng kinh doanh là một lợi thế lớn. Điển hình như Công ty CP Đầu tư Nam Long, ước tính quỹ đất sạch hiện khoảng 528 ha. Quỹ đất này đền bù sạch 100%, đã đóng tiền sử dụng đất và có thể triển khai kinh doanh. Trước đó, trong năm 2022 - 2023, Nam Long đã tập trung tháo gỡ pháp lý và triển khai các dự án ở TP.HCM, Cần Thơ và Long An. Đặc biệt, quỹ đất ở Đồng Nai của Dự án Izumi City và Dự án Paragon Đại Phước thời gian qua phải thay đổi quy hoạch theo quy hoạch mới của tỉnh Đồng Nai, nhưng đã được tháo gỡ vướng mắc trong quý I/2024.

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng giám đốc Nam Long cho biết, trong năm nay, Tập đoàn tiếp tục tập trung triển khai các dự án và dự án thành phần của các khu đô thị tích hợp gồm Mizuki Park 26 ha (Bình Chánh), Waterpoint giai đoạn 1 165 ha (Bến Lức, Long An), Akari City 8,5 ha (Bình Tân), EHome Southgate, Izumi City 170 ha (Đồng Nai), Nam Long Central Lake 43 ha (Cần Thơ). Mặt khác, Tập đoàn cũng dành ngân sách để tiếp tục tạo quỹ đất sạch và phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn. Nam Long đặt mục tiêu doanh số kinh doanh năm nay đạt 9.554 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng.

Diễn biến trên thị trường BĐS gần đây cho thấy, doanh số bán hàng sơ cấp dần phục hồi, chủ yếu ở những tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với các sản phẩm ở phân khúc trung bình, khá. Đó là một tín hiệu tích cực. Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, quỹ đất lớn là điều kiện để DN có thể vực dậy từ khó khăn khi dòng vốn đi tìm cơ hội đầu tư hướng đến các DN loại này. Một số DN có quỹ đất sạch, tổng tài sản cao như Nhà Khang Điền, Phát Đạt, Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Long, Đất Xanh… đang và sẽ trở lại “cuộc đua”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư chia sẻ, bảng giá đất hiện hành được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 và bảng giá đất mới lần đầu sẽ được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung hàng năm. Việc điều chỉnh bảng giá đất 5 năm một lần như trước đây và điều chỉnh hàng năm từ 2026 sẽ liên quan đến bài toán lợi nhuận của nhiều DN BĐS. Cho nên, những dự án được gỡ vướng pháp lý sớm không những được hồi sinh mà còn giúp DN có biên lợi nhuận tốt.

Thời gian qua, sự vào cuộc của Tổ công tác của Thủ tướng đã giúp khoảng 77 dự án BĐS ở TP.HCM được gỡ vướng, 143 dự án đang tiếp tục được Bộ Xây dựng, các bộ liên quan và địa phương giải quyết. Tới đây, khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành hứa hẹn sẽ tạo thêm lực đẩy giúp khơi thông các dự án vướng mắc này.

“Hiện nay, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS. Vì vậy, nếu thúc đẩy tốt việc tháo gỡ pháp lý, DN BĐS sẽ sớm đi qua khó khăn, giúp nguồn cung nhà ở dồi dào, người dân có cơ hội nhiều hơn với giấc mơ an cư”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nói.

Gia An/Báo Đấu thầu

https://baodauthau.vn/go-vuong-phap-ly-nhieu-du-an-bat-dong-san-hoi-sinh-post156358.html