Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Các ca mắc cúm chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết ghi nhận số ca mắc cúm tăng, trong đó có ca nặng.
Số ca mắc cúm A tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cao gấp 6 lần so với tháng 12 năm 2024. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A tới khám.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đã tiếp nhận điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm nặng, trong đó có bệnh nhân phải can thiệp đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như viêm phổi, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, thậm chí là có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
“Virus cúm có khả năng lây nhiễm ở mức độ trung bình, tức là một người nhiễm bệnh sẽ lây cho một hoặc hai người khác chưa có miễn dịch qua 2 con đường”, bác sĩ Hải Ninh thông tin.
Theo bác sĩ, con đường lây bệnh thứ nhất là qua những giọt bắn lớn, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng và mũi (khiến những người trong phạm vi 1m bị nhiễm bệnh). Do đó, thường chỉ những người gần gũi với người bị cúm mới có nguy cơ mắc bệnh.
Con đường lây bệnh thứ hai là qua tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng, chẳng hạn khi người nhiễm bệnh chạm vào mũi, miệng rồi tiếp xúc với bề mặt hoặc người khác.
Người bị mắc cúm có thể lây cho người khác từ thời điểm 1 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài trong khoảng 5-7 ngày kể từ khi mắc bệnh. Thời điểm lây lan mạnh nhất là vào 3-4 ngày đầu tiên của bệnh.
Trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch và những người bị bệnh nặng do cúm sẽ có thời gian đào thải virus lâu hơn bình thường.
5 việc cần làm để "đẩy lùi" bệnh cúm
Bác sĩ Hải Ninh cho biết, để giảm thiểu nguy cơ mắc cúm, người dân cần lưu ý những điều sau:
- Thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus cúm. Việc rửa tay cũng giúp mọi người bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh nhiễm trùng khác.
- Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: Che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Ở nhà khi cảm thấy không khỏe và bị sốt: Những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên ở nhà để giảm nguy cơ lây lan bệnh.
- Tiêm phòng định kỳ hàng năm: Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
- Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, hạn chế thông khí như cửa hàng, siêu thị, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và ở môi trường ngoài trời đông đúc, không thể thực hiện giãn cách.