Mê tín, dị đoan được hiểu là niềm tin mù quáng vào những điều huyễn hoặc như bói toán, bùa chú, giải hạn… nhằm khiến người khác tin vào các hiện tượng siêu nhiên. Lợi dụng tâm lý lo lắng của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng đã tìm cách dọa nạt, khiến nạn nhân hoang mang và sẵn sàng chi tiền để được hóa giải vận hạn hay cầu tài lộc. Không ít người đã phải bỏ ra số tiền lớn cho những dịch vụ này.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tránh đặt niềm tin tuyệt đối vào các dịch vụ tâm linh trực tuyến. Nên lựa chọn những địa chỉ có uy tín, tránh xa các hình thức biến tướng trên không gian mạng.
Ngoài ra, người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh rõ ràng danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Đồng thời, không nên chuyển tiền quyên góp hay ủng hộ vào các tài khoản không xác định nguồn gốc nhằm tránh rủi ro bị lừa đảo.
Thời gian qua, các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức trục vong, giải hạn lại có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng, trong đó có những vụ việc, đối tượng lừa đảo của bị hại lên đến 28 tỷ đồng.
Tháng 10 năm 2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã lật tẩy chiêu trò 'cô đồng' Phan Thu Trang lừa đảo hơn 28 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2023, TAND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tuyên phạt Trương Thị Hương (SN 1986, còn gọi là cô đồng bổ cau đúng nhận sai cãi) 7 năm, 3 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền chiếm đoạt là 242,5 triệu đồng.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về các chiêu trò lợi dụng mê tín dị đoan để lừa đảo, không ít người vẫn trở thành nạn nhân. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “coi bói online” trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng có thể bắt gặp hàng loạt quảng cáo rầm rộ về các “dịch vụ tâm linh”. Những trang web và tài khoản mạng xã hội này thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chia sẻ.
Một số tài khoản tự xưng là “thầy”, “cô”, “cậu”… và khẳng định có khả năng đặc biệt, có thể luận giải vận mệnh thông qua đường chỉ tay, tướng số. Không chỉ livestream bói toán, bán hàng phong thủy kém chất lượng, nhiều đối tượng còn lợi dụng những “dịch vụ tâm linh” này để lừa đảo tiền bạc bằng cách mua bán vật phẩm mang màu sắc mê tín hoặc đánh cắp thông tin cá nhân. Thực tế, không ít người đã rơi vào bẫy của những lời quảng cáo mang danh nghĩa “cầu an”, “giải hạn”, “xua đuổi xui rủi, bệnh tật” trên không gian mạng.
Trước tình trạng này, chuyên gia đã phân tích rằng các đối tượng lừa đảo thường sử dụng hai thủ đoạn chính:
Thứ nhất, chúng khai thác tâm lý của nạn nhân, đặc biệt là những người đang có nhu cầu tìm đến thầy bói để giải tỏa lo lắng về mặt tâm linh. Khi đã chiếm được lòng tin, những kẻ này tạo cho nạn nhân cảm giác chỉ có thầy bói mới có thể giúp họ hóa giải vận hạn, tránh rủi ro trong cuộc sống. Đây là cách lợi dụng niềm tin và thao túng tâm lý, khiến nạn nhân rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi.
Thứ hai, các đối tượng này đánh vào nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong tâm lý con người. Một khi nạn nhân đã bị nỗi sợ chi phối, họ sẽ dễ dàng làm theo bất kỳ yêu cầu nào do kẻ lừa đảo đưa ra, từ việc chuyển tiền đến mua các vật phẩm phong thủy hoặc thực hiện các nghi lễ tốn kém để “giải hạn”.
Chuyên gia cảnh báo, khi phát hiện bất thường, người dân cần phải hết sức cảnh giác trước những hoạt động bộc lộ dấu hiệu trục lợi. Ví dụ, họ yêu cầu, đòi hỏi phải nộp nhiều tiền để thực hành một hoạt động nào đó, người dân cũng cần phải chọn lọc.
Trong trường hợp bị lừa, bị mất tiền, người dân cần đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan điều tra trực tiếp vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để trình báo các thông tin về quá trình mình bị lừa. Trong đó, cần phải lưu ý đến việc cần phải cung cấp các bằng chứng, những tin nhắn, hoặc những giao dịch chuyển khoản, hoặc liên quan đến những giao dịch về mặt tài sản.