Intel nỗ lực cung cấp trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên bị cho thôi việc. Ảnh: Bloomberg. |
Tháng 1 năm ngoái, các công ty bán dẫn hàng đầu nước Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn. Pat Gelsinger, Tổng giám đốc điều hành Intel, quyết định tự cắt 25% lương, đồng thời yêu cầu nhiều nhân sự cấp cao giảm 5-15% lương để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sang tháng 8, công ty này cũng đưa ra thông báo cắt giảm 15.000 nhân sự thông qua thỏa thuận thôi việc tự nguyện hoặc quyết định sa thải. Các phúc lợi hấp dẫn như đồ ăn, thức uống tại văn phòng, xe đi lại hay dịch vụ gym đều bị siết chặt.
“Chúng tôi vẫn có chương trình bồi thường và phúc lợi cạnh tranh. Hành động này chỉ góp phần giúp bộ máy trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn”, một phát ngôn viên của Intel chia sẻ.
Từ phía nhân sự, nhiều người tỏ ra hoài nghi, lo lắng về tình trạng hiện nay: “Chúng tôi đã hy vọng nhiều, nhưng sự thất bại là điều dễ hiểu. Ban lãnh đạo sẽ làm gì đây?”
Ngày càng ít đặc quyền
Theo tài liệu mà Business Insider có được, Intel thông báo rằng doanh nghiệp sẽ giảm 2/3 diện tích bất động sản toàn cầu, hợp nhất các văn phòng, trụ sở.
Phòng gym không còn cung cấp dịch vụ đào tạo cá nhân. Các chi phí liên quan đến Internet, điện thoại và đi lại cho nhân sự cũng bị cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn.
Intel cắt giảm nhiều phúc lợi nhằm tối ưu hoá chi phí vận hành, vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Bloomberg. |
Tháng 9, thông báo về việc ngừng cung cấp trái cây và đồ uống miễn phí được đưa ra tại một văn phòng ở Oregon (Mỹ).
“Họ thật nhỏ nhen. Một miếng trái cây có đáng giá bao nhiêu đâu”, một cựu nhân viên Intel nói.
Một nhân sự khác làm việc tại văn phòng Oregon của Intel lại cho biết công ty tiến hành hợp nhất các tầng để tắt đèn và điều hoà ở một số khu vực.
Quyền lợi về thời gian nghỉ phép của người lao động cũng bị thay đổi. Trước đây, nhân sự Intel có thể nghỉ phép 4 tuần sau mỗi 4 năm làm việc và 8 tuần sau mỗi 7 năm cống hiến.
Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ nhân viên chỉ được nghỉ phép 4 tuần sau 7 năm làm việc. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch cá nhân của nhiều người.
Trước đây, nhân viên cũng có thể sử dụng xe đưa đón của công ty, hỗ trợ việc di chuyển giữa các văn phòng ở Arizona, California và Oregon. Song, xe đưa đón đã bị cắt giảm.
Các chế độ đãi ngộ còn lại
Hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Intel, AMD, Microsoft, Nvidia và Qualcomm cho thấy mức lương trung bình của các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu tăng ít nhất 12% trong 5 năm qua. Tuy nhiên, mức tăng lương của Intel chỉ đạt 4%.
Chế độ đãi ngộ tốt của Intel vốn là yếu tố góp phần giữ chân nhân tài, trong khi mức lương bị đánh giá là tương đối thấp. Dù cắt giảm nhiều đặc quyền, doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì một số phúc lợi.
Intel nỗ lực duy trì một số phúc lợi cho nhân sự trong bối cảnh khó khăn. Ảnh minh hoạ: Intel. |
Một số nhân sự gắn bó với Intel trong nhiều thập kỷ chuẩn bị nghỉ việc với mức trợ cấp tốt. 2 nhân viên cho biết sẽ nhận được 19 tháng trợ cấp thôi việc, khoản thưởng thâm niên và một số phúc lợi khác.
Theo một nhân sự, những người gia nhập công ty trước năm 2011 vẫn được hưởng mức phúc lợi, lương hưu ấn tượng khi số tuổi đạt mốc 55 hoặc 75.
Nhìn chung, không phải tất cả nhân sự Intel đều bị cho thôi việc một cách cay đắng trong bối cảnh cắt giảm chi phí vận hành, tối ưu hoá bộ máy. Nhiều người lao động vẫn nhận được gói trợ cấp tốt từ phía doanh nghiệp.
Cổ phiếu của Intel giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua vào tháng 9 và có nguy cơ bị loại khỏi danh sách blue-chip - một chỉ số theo dõi các công ty ổn định nhất.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.